1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Bốn thách thức lớn của thị trường lao động - việc làm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các xu hướng chuyển dịch kinh tế đang tác động mạnh mẽ đến cung lao động và cầu việc làm của TPHCM, đòi hỏi thành phố phải có cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả để ổn định thị trường.

Bốn thách thức lớn của thị trường lao động - việc làm  - 1

Thu hút nhân lực, nhân tài đến làm việc là mục tiêu hàng đầu của TPHCM trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Theo UBND TPHCM, một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố từ nay cho đến năm 2030 là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Thành phố xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi thành phố đang đối mặt với 4 thách thức liên quan đến lao động - việc làm.

Thứ nhất là những thách thức từ xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sự chuyển dịch này thể hiện ở rất nhiều mặt.

Trong nội tại kinh tế thành phố, thương mại, dịch vụ, đổi mới, sáng tạo vẫn là trọng tâm phát triển, nguồn nhân lực đang chuyển dịch dần về đây.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sự chuyển dịch từ thành phố ra các tỉnh khác diễn ra ngày càng phổ biến trong giai đoạn 2012-2021 và sẽ tiếp tục gia tăng.

Các hoạt động kinh tế số, kinh tế xanh ngày càng lan rộng và là xu thế chung. Từ đó, các ngành mới, nghề mới xuất hiện tạo ra nhiều áp lực lên lao động và việc làm thuộc khu vực kinh tế truyền thống…

Tất cả những chuyển dịch trên đã và đang tác động mạnh mẽ đến cung lao động và cầu việc làm tại TPHCM.

Do đó, UBND TPHCM xác định thành phố cần liên tục nghiên cứu, đánh giá, dự báo liên quan đến lao động - việc làm để có cơ sở đề xuất, điều chỉnh linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển thị trường lao động - việc làm đúng hướng.

Thách thức thứ hai là năng suất lao động tại TPHCM vẫn còn khiêm tốn so với các thành phố năng động khác trong khu vực Asean.

Vì vậy, tiếp tục cải thiện năng suất lao động từ phía doanh nghiệp, người lao động là một trong những trụ cột không thể thiếu của chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, với vị thế là trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, khoa học, đào tạo, đổi mới, sáng tạo của khu vực miền Nam và các nước lân cận, TPHCM phải đạt được mục tiêu thu hút người lao động đến học tập, làm việc và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, thu hút nhân tài vẫn là nan đề lớn của thành phố trong thời gian qua. Nguồn lao động nhập cư ngày trước chỉ có sự lựa chọn là TPHCM thì nay có nhiều lựa chọn điểm đến hơn…

Cuối cùng, quan hệ lao động là vấn đề mà một đô thị tập trung đông đảo người lao động trẻ tuổi, dân nhập cư như TPHCM đặc biệt quan tâm.

UBND Thành phố chỉ ra hàng loạt vấn đề như giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động trong bối cảnh mới; chính sách phát triển kinh tế nhằm tạo việc làm, cải thiện môi trường sống, từng bước xây dựng môi trường làm việc thỏa đáng cho người lao động; thực thi các chính sách an sinh xã hội hiệu quả…

Theo UBND TPHCM, để giải quyết những thách thức trên, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì cần có chiến lược phù hợp.

Thành phố nhấn mạnh vào việc xây dựng các chính sách huy động được người lao động, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo, đào tạo nghề cùng tham gia xây dựng thị trường lao động - việc làm của thành phố.