Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về nguồn nhân lực "tỷ USD"
(Dân trí) - Trả lời chất vấn, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi về chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động, đưa lao động đi nước ngoài ở những thị trường giá trị cao...
120.000 lao động Việt xuất ngoại mỗi năm
Phiên chất vấn sáng 8/11, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động.
Đáp lại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại mỗi năm Việt Nam đưa trung bình 120.000 - 143.000 người đi lao động nước ngoài/năm. Năm 2023, đến thời điểm này, cả nước đã đưa được 112.000 người đi làm việc ở nước ngoài, riêng Nhật Bản là 55.000 người và Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 30.000 người.
"Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Để phát huy hiệu quả của lực lượng lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này Chính phủ đã có chỉ đạo trong các nghị quyết. Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này.
Cùng với đó, Bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, đơn cử với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật sẽ phù hợp hơn, người lao động cũng phát huy được năng lực, kinh nghiệm.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là tạo điều kiện cho nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.
Về quy mô, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, hiện nay mỗi năm Bộ giải quyết việc làm cho khoảng 1,6-1,7 triệu lao động trong nước.
"Tính chung một năm đưa được 130.000- 140.000 lao động đi nước ngoài làm việc là tương ứng với khoảng 10% lực lượng lao động. Quy mô 500.000 - 650.000 người thường xuyên lao động và làm việc ở nước ngoài như hiện tại là vừa phải", Bộ trưởng nói.
Các biện pháp điều tiết thị trường lao động cũng căn cứ vào cung - cầu, nếu nhu cầu lao động trong nước tăng, Bộ sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ lao động đi nước ngoài và khi nhu cầu trong nước giảm sẽ tăng cường lực lượng đi nước ngoài để bảo đảm quy mô cho phù hợp.
"Việc tổ chức cho lao động đi nước ngoài làm việc sẽ được giữ ở tỷ lệ phù hợp, không ảnh hưởng đến quy mô trong nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Nhân lực chất lượng cao quyết định năng suất lao động
Trước đó, phần chất vấn chiều 7/11, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cũng quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại biểu đề cập, việc này liên quan chặt chẽ đến năng suất lao động.
Xác nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu mà 2-3 nhiệm kỳ qua đều không đạt.
Theo Bộ trưởng, để nâng cao năng suất lao động, ngoài vấn đề quản lý nhà nước cần quan tâm đến 4 vấn đề quan trọng.
"Đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Đó là vốn và nguồn vốn chất lượng cao để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến. Và yếu tố quan trọng thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm cũng cho thấy, các quốc gia phát triển, có năng suất lao động cao thường tỷ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Bộ trưởng cho biết, sau kỳ họp trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng. Trong đó, đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Về hệ thống đào tạo trường nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận.
Phân định trách nhiệm, Bộ trưởng nêu rõ, toàn bộ các trường nghề ở địa phương do địa phương quản lý. Các bộ, ngành chuyên ngành khác nắm 99 trường. Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước nói chung về giáo dục nghề nghiệp.
"Trách nhiệm quản lý nhà nước của chúng tôi trong vấn đề này là có", Bộ trưởng Lao động thẳng thắn nói.
Về giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, người học và gia đình.
Cùng với đó là việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối doanh nghiệp và đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề.
"Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao như Đức, Australia…. Theo mô hình này, doanh nghiệp được coi là một trường nghề", Bộ trưởng Dung trình bày.