Hoa hậu Ý Nhi, phim Đất rừng phương Nam bị bạo lực mạng "đập cho chết"?

Nhóm PV Dân trí

(Dân trí) - Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng tham gia trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về hiện tượng "ai cũng có thể thành nạn nhân của mạng xã hội" chiều 7/11.

Từ chiều 7/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Phiên chất vấn dự kiến kéo dài đến nửa buổi làm việc sáng 8/11.

Tương ứng với nhóm này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Hoa hậu Ý Nhi, phim Đất rừng phương Nam bị bạo lực mạng đập cho chết? - 1

Kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội chất vấn chung việc thực hiện lời hứa của tất cả các vị tư lệnh ngành (Ảnh:Quochoi.vn).

Lĩnh vực văn hóa, xã hội là nhóm ngành cuối cùng được chọn cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội kỳ này. Cụ thể, kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội đồng loạt chất vấn việc thực hiện lời hứa của tất cả các "tư lệnh" ngành.

Đối với nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội sẽ tập trung vào vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường lao động, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy hình thành quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo, xã hội hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những nội dung sẽ được các đại biểu chất vấn.

Nhóm vấn đề khác được xác định đang rất "nóng" với ngành là giải pháp giảm thiểu nợ đọng bảo hiểm xã hội, hạn chế người rút bảo hiểm xã hội một lần hay việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng được lưu ý vấn đề thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Đánh giá khái quát kết quả đạt được của ngành, Chính phủ ghi nhận Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, ngành thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm.

Đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%, được quốc tế công nhận là điểm sáng.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, chăm lo và phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm.

Kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2023 ước khoảng 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Ngoài các nội dung chất vấn xác định dành cho "tư lệnh" ngành lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội cũng hướng tới nhiều nhóm vấn đề của ngành với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.