Giảm gánh nặng cho người từ 60 tuổi không có lương hưu khi được hỗ trợ BHYT

Hoa Lê

(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết sẽ có thêm hàng trăm người cao tuổi thụ hưởng chính sách này.

Hà Nội đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình thoát nghèo, hộ gia đình thoát cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang thường trú trên địa bàn.

Còn 158.970 người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Tờ trình của Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2022-2024, Hà Nội dành tiền ngân sách hơn 5.437 tỷ đồng hỗ trợ cho 10,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Hiện, Hà Nội có 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Trong đó, có 636.746 người cao tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế do nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách đóng.

Giảm gánh nặng cho người từ 60 tuổi không có lương hưu khi được hỗ trợ BHYT - 1

Đề xuất hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

330.740 người có thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình với số tiền hỗ trợ 1 năm trung bình khoảng 804,6 tỷ đồng. Còn 158.970 người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế. 

Trong 112.313 người khuyết tật, có 101.037 người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, tổng số người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 8.857 người. 95.143 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với số tiền ngân sách hỗ trợ trung bình một năm là 34,3 tỷ đồng.

Giảm gánh nặng cho người cao tuổi

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng dẫn đến mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo nên việc tham gia của người dân gặp khó khăn về kinh phí.

Nhóm gặp khó khăn về kinh phí nhất là nhóm người thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội và các hộ gia đình có mức sống trung bình.

Hàng năm số tiền chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người dân tham gia rất lớn, lên đến 893 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024.

"Do đó việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm y tế sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả khi ốm đau, bệnh tật từ đó giảm áp lực tài chính cho người dân những lúc khó khăn", Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho hay.

Giảm gánh nặng cho người từ 60 tuổi không có lương hưu khi được hỗ trợ BHYT - 2

Người lao động khi hết tuổi lao động không có lương hưu sẽ là một gánh nặng cho ngân sách (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Bên cạnh đó người lao động khi hết tuổi lao động không có lương hưu sẽ là một gánh nặng cho ngân sách khi nhóm này bước vào nhóm người cao tuổi. Đó là phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất trên cũng giảm áp lực tài chính của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và các phân tích nêu trên, việc đề nghị UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người dân đang thường trú trên địa bàn là cần thiết và đúng thẩm quyền, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho hay.

Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Cụ thể là mức hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 75% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 20% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác.

Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, dự thảo Nghị quyết nêu, thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ gia đình cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian 36 tháng.

Bên cạnh đó, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và chưa có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.

Ngoài 2 đối tượng trên, dự thảo Nghị quyết cũng nêu chi tiết một số đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách.

Chính sách dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026 cho khoảng 614.000 người thụ hưởng với tổng kinh phí trích từ ngân sách gần 709 tỷ đồng.