Bình Định: Nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên
(Dân trí) - Dù đang là sinh viên, nhưng nhiều bạn đã có những ý tưởng, sáng tạo khoa học có thể ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống, trong lao động sản xuất, đó là tiền đề để các bạn khởi nghiệp sau khi ra trường.
Ngày 1/10, tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), Tỉnh đoàn tỉnh Bình Định tổ chức liên hoan: “Sáng tạo trẻ trong sinh viên” năm 2020, thu hút trên trên 500 bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh tham gia.
Tại đây, các đoàn viên thanh niên, sinh viên được trang bị kiến thức khởi nghiệp sáng tạo và tham gia học tập các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo do chính các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên, sinh viên tại các trường ĐH, CĐ thực hiện.
Trong đó, nhiều mô hình nghiên cứu sáng tạo có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống như: mô hình “Hệ thống giám sát, cảnh báo lũ lụt thời gian thực ứng dụng công nghệ Lora” của sinh Trường ĐH Quy Nhơn; mô hình “Nông trại bé yêu”của các bạn sinh viên Trường CĐ Bình Định; mô hình “Cánh tay thực hành tiêm truyền tĩnh mạch từ dụng cụ tái chế” của các bạn sinh viên Trường CĐ Y tế Bình Định; mô hình “Trạm phân loại sản phẩm theo màu” của các bạn sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn….
Một trong những mô hình được đánh giá cao và được giải thưởng của trường, bộ là đề tài nghiên cứu về ứng dụng công nghệ Lora trong hệ thống cảnh báo lũ tại khu vực sông Kôn - Hà Thanh (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) do em Trần Văn Trung, lớp Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông K39, khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Trường ĐH Quy Nhơn) thực hiện.
Em Trần Văn Trung cho biết, hệ thống giám sát, cảnh báo lũ thời gian thực dựa vào công nghệ Lora với chi phí thấp. Hệ thống cho phép thu thập và gửi dữ liệu một cách hiệu quả về trung tâm xử lý để đưa ra cảnh báo phù hợp, nhằm giảm thiểu những hậu quả do lũ lụt gây ra đối với người dân khu vực trên.
Thạc sĩ Bùi Văn Vũ, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn chia sẻ: “Hàng năm, dường như việc cảnh báo lũ là phục vụ cho an sinh xã hội nên các bạn sinh viên cũng hướng vào các đề tài này. Có rất nhiều mô hình cảnh báo lũ, nhưng việc ứng dụng công nghệ Lora này là đầu tiên. Trong điều kiện mưa bão, thông thường nguồn điện nguồn sẽ rất ít để cung cấp cho các trạm.
Trong khi đó, với công nghệ Lora có thể sử dụng những viên pin với nguồn năng lượng nhỏ, nhưng có thể sử dụng trong khoảng thời gian dài đến 2-3 năm trời. Nếu được sự hỗ trợ của của cơ quan chức năng thì đề tài này rất hữu ích, có khả năng áp dụng vào thực tế rất cao.
Bên cạnh đó, mô hình: “Dàn trải hệ thống phân loại sản phẩm, điều khiển và giám sát trên HMI” ứng dụng trong dây chuyền công nghiệp, vừa làm tăng năng suất lao động và giải phóng bớt lao động chân tay…
Đặc biệt, dịp này, các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh còn có cơ hội giao lưu trực tiếp với Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình - diễn giả, chuyên gia tâm lý, trao đổi và chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích về khởi nghiệp sáng tạo.