1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bình Định: Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề

Doãn Công

(Dân trí) - Kết nối doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đây là điểm mấu chốt nhằm đào tạo người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bình Định: Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề - 1
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.

Hội thảo hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2020, do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định tổ chức vừa qua, với sự tham dự của các sở, ban, ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng, phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học.

Tại hội thảo, nhiều báo cáo tham luận trình bày những vấn đề nổi bật như: Phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định; nhu cầu nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực ngành gỗ; xây dựng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hoạt động tư vấn, tuyển chọn, cung ứng lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng…

Qua đó, giúp các sinh viên hiểu thêm về con đường khởi nghiệp, có thêm các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

Bình Định: Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề - 2
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thực hiện gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề.

Đặc biệt, tham luận về công tác “Gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo” tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn được xem là mấu chốt nhằm đào tạo người lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, hằng năm, trường tuyển sinh đào tạo và cung cấp hàng nghìn nhân lực kỹ thuật có kỹ năng nghề cao cho thị trường lao động. Chất lượng đào tạo luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao. 100% học sinh - sinh viên ra trường có việc làm.

Tuy nhiên, là 1 trong 3 trường được Chính phủ lựa chọn thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (gọi tắt là Đề án tự chủ). Xác định tự chủ là “nhiệm vụ sống còn” nên nhiệm vụ đào tạo và chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, kỹ năng nghề của người học cần phải có để nhanh chóng thích nghi với các yêu cầu tại mỗi vị trí việc làm trong doanh nghiệp.

Bình Định: Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề - 3
Học sinh, sinh viên học ngành ô tô tại trường.

Theo TS. Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, nhà trường tạo mối quan hệ mật thiết với gần 80 doanh nghiệp, nhờ đó tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên đến thực tập, thực tế; nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ trường trong việc xây dựng trường trình, giáo trình trang thiết bị đào tạo.

“Thông qua gắn kết doanh nghiệp, 100% chương trình, giáo dục, giáo trình của trường đều được doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Đây là điểm mấu chốt nhằm đào tạo người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Gắn kết được doanh nghiệp còn tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Trường là đơn vị chủ trì đào tạo, doanh nghiệp là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo”, TS. Võ Thị Tuyết Nhung cho hay.

TS. Võ Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng, gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo là công tác trọng tâm của trường hiện nay. Đào tạo và mối quan hệ doanh nghiệp là hoạt động then chốt nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp - người học, đây là vấn đề lợi ích giữa 3 bên.

Tuy nhiên, để gắn kết với doanh nghiệp đem lại hiệu quả, trong quá trình thực hiện thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đồng thời, có cơ chế pháp lý ràng buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với việc đào tạo này, vì chính doanh nghiệp là chủ thể hưởng lợi ích rất lớn.

Bình Định: Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề - 4
Ngành du lịch, nhà hàng cũng đang "hot" khi du lịch Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông về vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp; tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ làm công tác đào tạo nghề trong các doanh nghiệp đó người lãnh đạo, những nhà quản lý, kỹ sư… bằng cách đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho những người có chuyên môn, tay nghề trong doanh nghiệp…