1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bất ổn tâm lý trong mùa dịch, người lao động cáu gắt vô cớ

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ một người thân thiện và dễ chịu, sau gần 3 tháng làm việc tại nhà, anh Lô Đức Đại chán nản khi tự nhận thấy nhiều dấu hiệu hay cáu gắt và nổi nóng vô cớ.

Vô tình "biến" thành người khác 

Anh Lô Đức Đại, nhân viên công ty kính cường lực M.S, TPHCM mệt mỏi kể lại sự việc tồi tệ lần đầu tiên trải qua sau nhiều năm đi làm.

Mới đây, trong lúc trao đổi qua điện thoại về sản phẩm mà khách yêu cầu giải thích, khi mới nói được vài lời qua lại, anh Lô Đức Đại đột nhiên hét toáng lên "không làm thì dẹp". Anh buông cả những lời khó nghe với khách trước khi cúp máy. 

Đến khi bình tĩnh lại, anh không hiểu nổi tại sao lại thiếu kiềm chế như vậy dù chỉ trong một tình huống hết sức bình thường. Không những đuổi khách, anh còn thể hiện là người thô lỗ.

Bất ổn tâm lý trong mùa dịch, người lao động cáu gắt vô cớ - 1

Nhiều người lao động bị suy sụp sức khỏe tinh thần do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Sau một ngày bình tĩnh, anh nhắn tin, gọi điện xin lỗi khách. Biết đã sai nhưng rồi cách hành xử đó của anh vẫn lặp lại trong một số tình huống khác.

Vốn là một người thân thiện, dễ chịu, anh Lô Đức Đại lo lắng khi tự thấy xuất hiện nhiều dấu hiệu của một con người khác sau thời gian dài làm việc tại nhà. Dễ nổi giận, lớn tiếng vô cớ và gây hấn với vợ con, đồng nghiệp hay bất kỳ ai trong tầm tiếp xúc. 

Mất ngủ triền miên, công việc không hiệu quả, liên tục gặp sai sót, khó chịu với tất cả mọi người... tâm trạng chị những tháng qua luôn bồn chồn, ức chế. 

Cũng chia sẻ tại một chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch, chị Đặng Thị Giang, 33 tuổi, làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở Quận 1, TPHCM than vãn: "Tôi điên mất".

Chưa dừng lại ở đó, người mẹ rất dễ trút giận lên con, chì chiết, đánh mắng con rất vô lý. Sau mỗi lần như vậy chị lại ôm con khóc, lại xin lỗi và tự hứa... nhưng chỉ cần khó chịu một chút chị sẽ mất kiểm soát. 

"Nhất là khi con bước vào năm học mới, vừa làm việc vừa kèm con học, tôi càng dễ cáu giận hơn. Các con tôi chán mẹ lắm rồi, chúng nói mẹ không còn là mẹ trước đây nữa. Tôi cũng chán tôi luôn", chị nghẹn ngào.

"Biến dạng" vì sức khỏe tinh thần suy sụp 

Những tác động từ dịch bệnh khiến người lao động đang đối mặt với hoàn cảnh mà họ chưa từng nghĩ đến như thất nghiệp, giảm thu nhập, bức bí khi làm việc tại nhà kéo dài, mất tương tác với bên ngoài... Chưa kể những trường hợp khủng hoảng khi bản thân là F0, gia đình có người mắc bệnh, qua đời.

Theo một bác sĩ tâm lý tại TPHCM, tình trạng tâm lý bức bí, lo lắng, ngột ngạt, khó khăn, mất ngủ có thể khiến tâm lý con người bị "biến dạng", nhất là khi cá nhân đó thiếu đi sự hỗ trợ và năng lực ứng phó. 

Bất ổn tâm lý trong mùa dịch, người lao động cáu gắt vô cớ - 2

PGS.TS Trần Thành Nam (hàng trrên, bên phải) chia sẻ về sức khỏe tâm thần người lao động trong đại dịch.

Điều này có thể là sự lý giải cho hình ảnh làm một người đàn ông từng khá ga lăng trở nên cộc cằn, thô lỗ, bê tha; một người phụ nữ từng được đánh giá năng động, sạch sẽ, ngọt ngào thành nhàu nhĩ, lếch thếch, cau có...

Mới đây, tại một tọa đàm trực tuyến về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động, PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin: Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, trong suốt đại dịch (cuối 2019 đến cuối 2020) tỷ lệ tổn thương sức khỏe tinh thần tăng lên 5- 7 lần so với trạng thái bình thường. 

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: "Khi rơi vào tình trạng stress, con người sẽ mất năng lực kiểm soát cảm xúc, hành vi. Từ đó kéo theo nguy cơ bạo lực và quấy rối gia tăng như hành vi chống lại nhân viên y tế, người thi hành công vụ; bạo lực gia đình... đều gia tăng trong giãn cách".

Trong đó, khoảng 300 triệu người trầm cảm, 45 triệu trường hợp bị rối loạn lưỡng cực, 250 triệu người rối loạn nghiện, 20 triệu rối loạn tâm thần phân liệt.

Nghiên cứu tại nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ cũng cảnh báo về sức khỏe tâm thần giữa đại dịch. Đáng ngại hơn, đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Thực tế, nhiều người không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, không tìm kiếm sự giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp nên không được thống kê.

Tại Việt Nam, theo PGS.TS Trần Thành Nam, hoàn toàn chưa có thống kê ở thời điểm hiện nay. Nhưng các cơ quan, chuyên gia dự báo sự tổn thương sức khỏe tâm thần không thua kém các số liệu từ các báo cáo của WHO hay các nước. 

Tuy nhiên, theo ông, có thể thấy thực trạng sức khỏe tâm thần qua tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp cao. 

Biểu hiện của người lao động rõ nhất qua phản ứng tâm lý, như: Thiếu năng lượng, động lực, lo lắng trầm cảm, hành vi gây hại, có suy nghĩ tự tử; giảm hiệu suất, giảm mức độ gắn bó, trốn việc; tăng nguy cơ chấn thương, tai nạn lao động... 

Điều nguy hiểm là sức khỏe tâm thần đang bị lãng quên, chưa có chiến lược thống nhất hỗ trợ chăm sóc tinh thần cho người lao động. Nhất là khi các nguồn lực đang tập trung vào hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, cơ bản, những nhóm đối tượng tổn thương trực tiếp từ dịch bệnh.