Tiêu tới những đồng cuối cùng, nữ nhân viên xót thời "sống như bà hoàng"

Hoài Nam

(Dân trí) - Loanh quanh trong căn hộ 20m2, không chỉ nhớ cái thời bay nhảy mà Phạm Diệu Linh vừa tiếc vừa xót thời tiêu pha hoang phí, vung tay quá trán để sống tận hưởng như "bà hoàng".

Chưa khi nào Phạm Diệu Linh, 28 tuổi, trưởng nhóm chăm sóc khách hàng tại một trung tâm ngoại ngữ ở Thủ Đức (TPHCM) có thể hình dung nổi sẽ phải rơi vào tình cảnh khó khăn như thế này.

Facebook liên tục nhắc lại những tháng ngày trước đây. Lúc cô vi vu ở Đà Lạt, lúc ở Nha Trang, Phan Thiết, quán ăn này, cửa tiệm kia. Những bức ảnh chụp đầy vẻ sang chảnh ở những nơi sang trọng làm cô vừa tiếc nuối lẫn... tiếc tiền.  

Còn lúc này, Phạm Diệu Linh uể oải xem lại danh sách khách hàng mới cũ, tình trạng, tiềm năng. Mãi đến trưa, cô mới pha tô mì, bỏ vào chút giá ăn qua bữa. Tới lúc này, mua vài chục trứng hay một túi xúc xích kèm thêm cho bữa lúc này cũng cần cân nhắc. 

Tiêu tới những đồng cuối cùng, nữ nhân viên xót thời sống như bà hoàng - 1

Gặp khó khăn vì dịch, nhiều người vừa tiếc vừa xót cuộc sống xông xênh trước đây (Ảnh minh họa).

Đầu tháng cũng đến thời điểm đóng tiền nhà, căn hộ cô thuê ở Quận 9 cũ có giá 5,5 triệu đồng/tháng. Đóng tiền nhà tháng này, thêm tiền quản lý phí là cô cạn những đồng tiết kiệm cuối cùng. Cô mong được giảm một triệu đồng tiền thuê như tháng trước, nhưng ngại ngần chưa dám mở lời với chủ nhà.

Lúc này, cô có cảm giảm bức bí vì quanh quẩn trong căn hộ nhỏ nhiều tháng qua. Nhưng hơn hết, cô thèm cảm giác bay nhảy, hít hà đất trời, tiếc nuối những tháng ngày sống hưởng thụ như "bà hoàng".

Mức lương của Phạm Diệu Linh vài năm trở lại đây từ 18-20 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập của cô có thể gấp đôi vì có tiền hoa hồng từ bán khóa học cho khách, khách gia hạn chương trình, thưởng năng suất...

Thu nhập ổn, chưa phải lo cho ai và không quen tiết kiệm, cô gái trẻ nhanh chóng nâng cấp đời sống. Cô thuê căn hộ riêng, chấm dứt đời ở ghép, mức chi tiêu không ngừng tăng lên chạy đua theo mức thu nhập. 

Kể cả lúc mọi thứ đang ổn định, Phạm Diệu Linh cũng nhiều phen thâm hụt tài chính vì "vung tay quá trán". Phút ngẫu hứng quẹt cái thẻ là đi tiền triệu cho bộ đầm, cái túi xách hay đôi giày ngay .

Tiêu tới những đồng cuối cùng, nữ nhân viên xót thời sống như bà hoàng - 2

Phạm Diệu Linh đang áp lực với tiền thuê căn hộ nhỏ vùng ven giá 5,5 triệu đồng.

Cô thừa nhận, cá tính thoáng lại thích thể hiện, có khi phải "gồng mình" chi cho những thứ mang tính "check in" nhiều hơn là nhu cầu thực tế. Điển hình như ăn quán sang món lạ, mua sắm, sử dụng những dịch vụ tốn kém, bao bạn bè này kia.

Cho đến đợt dịch nặng nề lần này, khách hàng rút, không khai thác được khách mới... Trung tâm hoạt động cầm chừng, đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Mức lương của Phạm Diệu Linh nhận được chưa đến 5 triệu đồng. Thế nhưng đã sang tháng thứ 3, công ty chưa thanh toán, cô sớm rơi vào khủng hoảng.  Giờ đây, cô gái trẻ phải tính toán chi ly từng bữa ăn, thậm chí từng gói mì, tiền điện, tiền nước... và tất cả mọi khoản chi tiêu.

Thêm trải nghiệm cho chặng đường mới 

Phạm Diệu Linh tiếc nuối: "Chỉ cần những năm qua, tôi để dành 25-30% thu nhập thì giờ đây cũng có thể "sống khỏe" kể cả khi dịch bệnh phức tạp, giãn cách kéo dài hơn". Tiếc rằng, cô đã lãng phí tiền bạc, đổ sức trẻ vào những thứ phù du để rồi sớm mất khả năng "đề kháng".

Ai rồi cũng cần trưởng thành, Phạm Diệu Linh tự động viên và đang tìm công việc mới. Nếu mọi thứ suôn sẻ, cô sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 6/9 tới với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng cho một công ty dược phẩm. 

Bây giờ khi có cơ hội, cô gái trẻ có nhiều dự tính tích cực hơn, như: Sẽ "vắt sức" ra làm việc, chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn và tìm thêm nguồn thu nhập thụ động khác để đảm bảo sự bền vững . 

"Tôi sẽ học cách chi tiêu, quản lý tài chính thông minh hơn. Đặc biệt, nhắc mình sống hôm nay phải biết lo ngày mai, bớt sĩ diện, sống ảo lại. Hết dịch, việc đầu tiên tôi làm là tìm một phòng trọ giá rẻ hơn hoặc ở ghép với bạn bè, bắt đầu một  hành trình mới", Phạm Diệu Linh bộc bạch. 

Dịch bệnh Covid-19 đã xoay chuyển nhiều thứ, kể cả những quan niệm, lối sống, cách làm việc, chi tiêu được cho là cố định bấy lâu. Không chỉ người khó khăn mà những người ổn định, thu nhập khá cũng phải "trở mình" trước những áp lực không lường trước.

Giai đoạn này, nhiều người rơi vào tâm lý tiếc nuối những ngày tươi sáng, xông xênh trước đây. 

Những điều đã qua hay những khó khăn, trắc trở đều mang đến những trải nghiệm nhất định. Là cơ hội để mỗi người chiêm nghiệm lại các giá trị, nhìn nhận sâu sắc nhất về bản thân.

Nhiều bạn trẻ nhìn nhận nghiêm túc hơn về nghề nghiệp, việc làm, định hình lại lối sống. Thực tế cho họ thêm bài học về tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, sống hôm nay nhưng cũng cần biết lo cho ngày mai.