1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ trung niên thất nghiệp trong mùa dịch, 3 tháng sụt 7 kg

Hoài Nam

(Dân trí) - Không chỉ sụt cân nhanh, chị Phan Thúy Nga (41 tuổi, TPHCM) còn suy sụp tinh thần sau khi bị sa thải. Khó khăn chồng chất đến với người phụ nữ trung niên này trong mùa dịch Covid-19.

Vay nợ để trang trải cuộc sống

Mất việc làm từ tháng 6, chị Phan Thị Nga, ngụ ở Quận 12, TPHCM vẫn chưa thể đối diện với thực tế thất nghiệp. 

Chị làm tại phòng kinh doanh của một công ty in ấn được 8 năm. Từ đầu năm nay, công ty đã thu hẹp quy mô, bắt đầu cắt giảm nhân sự. Cho đến lần ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 4 này, chị thuộc trong danh sách gần 10 nhân sự được "gọi tên". 

Nữ trung niên thất nghiệp trong mùa dịch, 3 tháng sụt 7 kg - 1

Nhiều chị em bị xáo trộn cuộc sống bình yên vì mất việc làm.

Từ ngày mất việc, chị ăn không được, nhiều đêm nằm trằn trọc nghĩ ngợi đủ thứ rồi lịm đi được 2-3h. Chưa đến 3 tháng, dù không tập môn thể dục nào nhưng chị đã giảm trọng lượng từ 57 kg xuống còn chưa đến 50 kg. Người xanh xao và mệt mỏi, tóc chị nhiều chỗ đã bạc trắng. 

Nhưng suy sụp không chỉ ở thể chất mà đáng sợ hơn là ở tâm lý, tinh thần. Áp lực vô hình đè nặng, chị giấu kín việc bị rơi vào cảnh thất nghiệp, không thể mở lời nói với chồng và 2 đứa con đang tuổi mới lớn. 

"Tôi ráng diễn vai "mình ổn" nhưng thường xuyên mệt mỏi, hay cáu gắt, khó chịu nên gia đình cũng lục đục, căng thẳng", chị Phan Thị Nga.

Vợ chồng chị có 2 con, anh làm tại một công ty sản xuất nhôm kính. Từ lâu, 2 người đã phân chia: Chồng trả tiền ngân hàng mua căn hộ, tiền học phí của một người con. Chị lo cho bé thứ hai và mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Thu nhập của chị ở mức khá, gần 20 triệu đồng nhưng cũng không dành dụm được bao nhiêu. 

"Tôi có khoản tiết kiệm hơn 50 triệu, mấy tháng nay phải đưa ra dùng. Tôi tính chi ly từng đồng, từng bữa ăn nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Vì lúc này, mọi người đều ở nhà, nhu cầu tăng mà thực phẩm lại đắt đỏ", người mẹ thở dài. 

Chung tình cảnh với chị Phan Thị Nga, cuộc sống vốn yên bình với chị Trần Ngọc Ân, 40 tuổi Tân Bình, TPHCM đảo lộn hoàn toàn khi công ty giải thể. Yên phận cả chục năm nay với công việc văn phòng, chị chưa từng hình dung có ngày sẽ bị thất nghiệp. Tình hình gia đình chị càng tệ hơn khi chồng cũng bị giảm lương.

Thu nhập của 2 vợ chồng lâu nay khoảng 30 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học ở mức thoải mái một chút. Giờ vỏn vẹn chỉ có hơn 10 triệu đồng. 

Nữ trung niên thất nghiệp trong mùa dịch, 3 tháng sụt 7 kg - 2

Một người mẹ tại TPHCM đang phải nghỉ việc ở nhà (Ảnh: Nam Thái).

Nhiều tháng qua, chị phải tằn tiện chi tiêu để kéo dài khả năng cầm cự. Nhiều bữa ăn trong nhà, cha con ngồi thở dài vì chỉ có cơm với đậu phộng. 

Vợ chồng chị góp mua được một lô đất nhỏ ở Bình Dương giá vài trăm triệu. Chị Trần Ngọc Ân đang tính đến việc bán đi để lấy tiền lo cho sinh hoạt gia đình, nhưng lúc này rao mãi cũng không thấy ai ngó ngàng. 

Khi con bước vào năm học mới, có nhiều khoản phải lo, mới đây chị phải vay tạm người thân để xoay xở trước mắt. 

Thất nghiệp: Phụ nữ gánh nhiều tổn thương

Nhiều chị em khi thất nghiệp, chưa tìm được việc làm chính thức thường chọn công việc tự do, bán hàng để mưu sinh. Tuy nhiên, với tình hình giãn cách lần này họ cũng không thể tìm được việc kiếm sống qua ngày. 

Chị Trần Ngọc Ân nhận thấy, ở tuổi này sự thay đổi công việc là cả một vấn đề. Trong điều kiện bình thường đã rất khó để kiếm việc làm mới, lúc này còn khó khăn hơn gấp nhiều. 

Nữ trung niên thất nghiệp trong mùa dịch, 3 tháng sụt 7 kg - 3

Người lao động tại TPHCM trong một đợt làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Người mẹ tuổi trung niên này bộc bạch: "Bình thường, tôi có thể mở một cửa hàng đồ ăn vặt, buôn bán online hay kể cả giữ trẻ, giúp việc theo giờ, nhận hàng thủ công về làm nhưng lúc này đành phải ngồi chờ".

Thất nghiệp là nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Nhưng với phụ nữ trung niên, theo chị Phan Thị Nga sẽ lo lắng nhiều hơn, nhất là lo cho con cái.

Gánh nhiều vai trò, chị em khó dồn hết sức lực cho công việc, dẫn đến khả năng kiếm tiền hạn chế, nguy cơ mất việc làm cao. Điều này dẫn đến hệ lụy họ dễ bị tổn thương khi bị thất nghiệp. Chưa kể tình trạng thất nghiệp cũng kéo theo nguy cơ phụ nữ bị bạo hành gia đình tăng cao. 

Báo cáo nghiên cứu "Giới và Thị trường Lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố vào tháng 4/2021 đã nêu rõ: Đại dịch Covid-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới. Trước đại dịch, hầu như không có sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa nam giới và phụ nữ, nhưng tình trạng này đã xuất hiện từ quý III năm 2020. 

Có những yếu tố dẫn đến sự bất bình đẳng như phụ nữ phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà, thu nhập thấp hơn, tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp: họ chiếm gần một nửa lực lượng lao động, nhưng chỉ đảm nhận chưa đến 1/4 vị trí lãnh đạo, quản lý chung.