41.000 người bị mất việc: Cơ hội nào giúp các lao động duy trì thu nhập?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mất việc là nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội cho người lao động được đào tạo lại tay nghề, kỹ năng để tìm việc mới có thu nhập cao hơn nhờ sự trợ giúp từ các chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp.

Hơn 472.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị trực tuyến mới diễn ra, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm là khoảng 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may (226 doanh nghiệp), da giày (109 doanh nghiệp), chế biến gỗ (196 doanh nghiệp)…

Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là hơn 472.000 lao động. Trong đó, nhiều nhất là ngành nghề dệt may với khoảng 131.000 lao động (chiếm gần 28%), da giày với hơn 171.000 lao động (36,3%), chế biến gỗ với hơn 63.000 lao động (chiếm hơn 13%)…

Cụ thể, số lao động bị thôi việc, mất việc là hơn 41.000 người (8,8%); giảm giờ làm (giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động) là hơn 430.000 người (91,2%).

41.000 người bị mất việc: Cơ hội nào giúp các lao động duy trì thu nhập? - 1

Tình hình mất việc, giảm giờ làm xuất hiện tại một số ngành ở các tỉnh, thành phía Nam (Ảnh minh họa: L.T.)

Thông tin về tình hình lao động tháng 11 của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nhận định trong 2 tháng 10 và 11, tình trạng mất việc làm xuất hiện cục bộ tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Ghi nhận tại TPHCM đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động của 26 doanh nghiệp này. Một số doanh nghiệp khác phải giảm giờ làm.

Tại Bình Dương, một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày không tổ chức tăng ca, giảm ngày làm việc thứ 7. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên đến 30%.

Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ và ngành da giày.

Trong nguy có cơ

Trước tình trạng khó khăn của người lao động mất việc, ngành LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội và công đoàn các cấp đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ như thực hiện nhanh trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tham gia đàm phán để đảm bảo quyền lợi cho công nhân mất việc, chăm lo Tết cho công nhân khó khăn…

Tuy nhiên, theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tạo việc làm mới cho người lao động, giúp họ duy trì thu nhập.

LĐLĐ TPHCM cố gắng thực hiện công tác kết nối các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với nhau. Bước đầu đã tìm được việc làm mới cho một số công nhân ở các công ty cắt giảm nhiều lao động như Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân), Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi)…

41.000 người bị mất việc: Cơ hội nào giúp các lao động duy trì thu nhập? - 2

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Trung cũng chia sẻ, tình hình năm nay khác biệt, việc cắt giảm lao động không phải là khó khăn cục bộ của một vài doanh nghiệp mà là khó khăn chung của cả ngành nên tìm việc làm mới cho công nhân rất khó. Khó khăn hơn là tay nghề công nhân không đạt yêu cầu.

Thực tế khi LĐLĐ TPHCM giới thiệu công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng mất việc đến làm việc tại một công ty cùng ngành tại quận Bình Tân thì chỉ có vài chục người đáp ứng yêu cầu, phần còn lại họ không tuyển vì tay nghề không đạt yêu cầu.

Theo ông Trần Đoàn Trung, công tác kết nối, giới thiệu việc làm mới cho công nhân mất việc thì không chỉ LĐLĐ TPHCM mà các ngành khác như Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân… cũng đang làm. Nhưng chính bản thân người lao động cũng phải nỗ lực.

Ông Trung cho rằng, tình thế hiện nay giống như cách nói dân gian là "trong nguy có cơ". Mất việc cũng là cơ hội để người lao động tận dụng để học nghề, nâng cao tay nghề, đào tạo lại cho mình nhờ vào chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của nhà nước để nâng cao năng lực bản thân, tìm kiếm việc làm mới có thu nhập tốt hơn.

Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM chia sẻ: "Chúng tôi đề cao việc tuyên truyền cho người lao động nhu cầu tự thân về việc đào tạo lại tay nghề, kỹ năng, ý nghĩa cũng như giá trị của lao động qua đào tạo. Khi đó, cơ hội của chúng ta trong thị trường lao động sẽ lớn hơn. Giảm thiểu những rủi ro phải đối mặt như nguy cơ bị sa thải khi thị trường việc làm sụt giảm".