Bình Dương:

Mất việc ngày cuối năm, công nhân về quê ăn Tết sớm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công ty hết đơn hàng phải cắt giảm lao động, nhiều công nhân mất việc buộc lòng phải về quê ăn Tết sớm, chờ sang năm kiếm việc mới.

Mấy ngày qua, dọc quốc lộ 13, đoạn đi qua TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xuất hiện những tốp thanh niên mang theo nhiều hành lý đứng chờ đón xe khách về quê. Họ chủ yếu là công nhân ở miền Bắc, miền Trung vào Bình Dương mưu sinh. Công ty cắt giảm lao động, họ mất việc dịp cận Tết nên khó tìm việc mới, buộc lòng phải về quê ăn Tết sớm.

Những hình này lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người ngạc nhiên. Thông thường, hình ảnh này mọi năm chỉ xuất hiện vào dịp 29-30 tháng Chạp, nay còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2023 mà dòng công nhân đổ về quê đã khá đông.

Mất việc ngày cuối năm, công nhân về quê ăn Tết sớm - 1

Công nhân xếp hàng chờ xe khách về quê tại quốc lộ 13, đoạn qua địa phận TP Thủ Dầu Một, Bình Dương (Ảnh: A.X).

Anh Trần Văn Đang (38 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, anh vào Bình Dương làm việc từ năm 2006. Ba năm đầu, Đang đi làm phụ hồ rồi chuyển sang làm công nhân may ở TP Thủ Dầu Một. Hơn 10 năm làm công nhân, chưa năm nào anh nghỉ Tết sớm như năm nay.

"Công ty thông báo không có đơn hàng sản xuất nên tôi bị cho thôi việc. Buồn lắm nhưng không biết làm sao bây giờ. Lãnh đạo công ty cũng đã cố gắng hết sức rồi, mình cũng phải chia sẻ với họ. Giờ về nghỉ Tết rồi qua năm vào xin việc", anh Đang thở dài.

Xác nhận với phóng viên Dân trí, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương cho biết, một số công ty trên địa bàn cho công nhân ngưng việc vì gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động bị thôi việc, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.

Trong 9 tháng đầu năm, hơn 70.000 lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... có số lao động bị ngưng việc nhiều nhất.

Ngay từ tháng 6, việc xuất khẩu và đơn hàng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm, chỉ hoạt động 30-50% công suất. Sang tháng 7-8 thì ảnh hưởng nhiều hơn, sau đó ổn định được một thời gian thì gần đây các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, một số doanh nghiệp bị tác động xấu bởi tình hình thế giới phải áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nơi khó khăn quá, buộc phải cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất.

Hiện, Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ công nhân. Các đơn vị thuộc sở cũng thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.

Liên đoàn Lao Động tỉnh Bình Dương cũng triển khai nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tìm kiếm và liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tìm việc cho công nhân bị mất việc.

Mới đây nhất, Liên đoàn Lao Động tỉnh Bình Dương đã gửi danh sách gần 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động đến các doanh nghiệp cắt giảm lao động để các công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào các đơn vị phù hợp. Trong đó, có những đơn vị tuyển dụng từ 500 đến hơn 2.000 công nhân.