1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Vua nước mắm, tương ớt” Masan đang phải đối mặt rủi ro nhiễm bẩn

(Dân trí) - Masan Consumer thừa nhận đang phải đối mặt với rủi ro xảy ra tình trạng nhiễm bẩn sản phẩm, và bất kỳ vụ nhiễm bẩn nào như vậy sẽ khiến công ty này có nguy cơ bị khiếu nại về trách nhiệm đối với sản phẩm.

 Tiếp tục dẫn đầu ngành hàng gia vị

Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2018 cho hay, trong năm vừa rồi, công ty này vẫn tiếp tục dẫn đầu ngành gồm nước mắm, nước tương và tương ớt.

“Vua nước mắm, tương ớt” Masan đang phải đối mặt rủi ro nhiễm bẩn - 1

Các nhãn hiệu hàng tiêu dùng mà Masan Consumer đang sở hữu

Trong năm 2018, ngành hàng gia vị của Masan đạt tăng trưởng cao nhờ tăng trưởng sản lượng của các thương hiệu chủ chốt và những phát kiến sản phẩm cao cấp mới.

Doanh thu thuần năm 2018 của ngành hàng gia vị tăng 35% lên 6.958 tỷ đồng từ mức 5.159 tỷ đồng trong năm 2017. Các thương hiệu chủ chốt như Chin-Su và Nam Ngư tiếp tục đạt danh thu cao do sản lượng tăng 26% và là trụ cột chính thúc đẩy doanh thu cho ngành gia vị.

Masan tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm cao cấp, trong đó các sản phẩm này đóng góp khoảng 10% doanh thu thuần của ngành hàng trong năm 2018. Chiến lược cao cấp hóa tiếp tục chứng tỏ hiệu quả khi việc đưa ra các sản phẩm cao cấp giúp tăng giá bán bình quân toàn ngành gia vị của doanh nghiệp này trong năm 2018 tăng lên khoảng 7% so với năm 2017.

Theo đánh giá của Masan Consumer, trong số các mặt hàng đa dạng trong ngành hàng gia vị, nước sốt và nước sốt salad, nước mắm được xem là linh hồn của ẩm thực Việt.

Dẫn nghiên cứu của Kantar Worldpanel, Masan cho biết, có khoảng 97% gia đình Việt Nam trong khu vực đô thị sử dụng nước mắm trong những bữa ăn hằng ngày. Dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng người tiêu dùng chủ yếu mua nước mắm tại những kênh truyền thống như các cửa hiệu tạp hóa nhỏ lẻ và các ki-ốt trong chợ.

Masan Consumer đang là chủ sở hữu của các thương hiệu nước mắm/nước chấm như Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử. Công ty liên kết của Masan Consumer là Công ty CP Thực phẩm Cholimex, được Masan mua lại tỷ lệ cổ phần đáng kể vào cuối năm 2014, cũng có các thương hiệu nước chấm và gia vị nổi tiếng hiện diện phổ biến tại các kênh hàng quán.

“Ông lớn” hàng tiêu dùng này hiện đang là một trong số ít các công ty ở Việt Nam sở hữu hệ thống phân phối cho cả ngành thực phẩm lẫn đồ uống. Masan đã phát triển các điểm bán lẻ lên đến gần 180.000 cho sản phẩm thực phẩm và 160.000 cho sản phẩm đồ uống với gần 3.000 nhân viên bán hàng.

Khó tránh khỏi rủi ro nhiễm bẩn sản phẩm

Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên, lãnh đạo Masan Consumer thừa nhận đang phải đối mặt với rủi ro xảy ra tình trạng nhiễm bẩn sản phẩm và bất kỳ vụ nhiễm bẩn nào như vậy sẽ khiến công ty này có nguy cơ bị khiếu nại về trách nhiệm đối với sản phẩm.

Phía Masan cho biết, nhiễm bẩn là một rủi ro vốn có trong ngành thực phẩm và đồ uống. “Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức, bao gồm cả việc kiểm tra thường xuyên tại nhà máy sản xuất và kiểm tra thường xuyên nguyên vật liệu, chúng tôi không thể hoàn toàn loại trừ nguy cơ nhiễm bẩn” – trích báo cáo của Masan Consumer.

Báo cáo cho hay, “không phải tất cả các quá trình xử lý của chúng tôi hoàn toàn tự động, do đó làm tăng nguy cơ lỗi của con người, và do đó cũng có khả năng tăng nguy cơ ô nhiễm. Do vậy, chúng tôi có thể bị khiếu nại liên quan đến tình trạng nhiễm bẩn sản phẩm và có thể phải thu hồi sản phẩm hoặc rút khỏi thị trường, điều đó có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và triển vọng của chúng tôi”.

Bên cạnh đó, Masan Consumer cũng nhìn nhận, “mặc dù không có chính sách trách nhiệm sản phẩm được công nhận tại Việt Nam, chúng tôi không thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không phải đối mặt với khiếu nại hoặc kiện tụng về sự an toàn và chất lượng của các sản phẩm của chúng tôi”.

“Vua nước mắm, tương ớt” Masan đang phải đối mặt rủi ro nhiễm bẩn - 2

Sản phẩm tương ớt Chin-Su của Masan gặp vấn đề tại Nhật Bản, dù Masan chưa chính thức xuất khẩu trực tiếp tới thị trường này

Mới đây, tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Osaka đã ra thông báo về việc thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam có nhãn hiệu Chin-Su của Masan Consumer.

Trong văn bản phản hồi sau đó, Masan cho biết, tất cả các sản phẩm của Masan Consumer sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia. Hiện Masan chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm