Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Yêu cầu tháo thép Trung Quốc thay bằng thép Hàn Quốc
(Dân trí) - Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, quan điểm của Bộ liên quan đến nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Bình Định bị hư hỏng là phải tháo thép Trung Quốc thay bằng thép Hàn Quốc.
Chiều 11/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định tổ chức buổi làm việc với 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và các chủ tàu để xây dựng phương án, kế hoạch và tiến độ khắc phục, sửa chữa cho từng tàu vỏ thép bị hư hỏng. Dự kiến, thời gian đưa tàu lên đà sửa chữa, khắc phục trong tháng 7 và 8/2017 tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (Bình Định).
Tỉnh yêu cầu thay thép Hàn Quốc, Công ty nói không?
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, sau khi kiểm tra, xem xét phương án khắc phục, sửa chữa của các cơ sở đóng tàu đối chiếu với ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh có một số nội dung còn có sự sai khác, Sở NN&PTNT đã đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương giải trình.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc đảm bảo thép cấp A và các chỉ số cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép đối với các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, khắc phục Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc mà đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A (thiếu Mn) thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Theo giải trình của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, trong buổi làm việc ngày 30/6, Công ty và các chủ tàu đã thống nhất không thay toàn bộ tôn vỏ, những vị trí đạt thép cấp A thì giữ lại, những vị trí không đạt cấp A (thiếu Mn) thì thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A với lý do nếu thay toàn bộ thép vỏ tàu thì phải tháo dỡ gần như toàn bộ con tàu.
Thời gian thi công hoàn chỉnh con tàu phải mất thời gian từ 6 đến 8 tháng do đó ảnh hưởng đến khả năng đi biển và trả nợ ngân hàng của ngư dân. Công ty và ngư dân thống nhất tính toán lại giá tôn thép của Trung Quốc và Hàn Quốc cùng thời điểm và thỏa thuận bù phần chênh lệch lại cho ngư dân.
“Ý kiến của Bộ NN&PTNT là hợp đồng thép Hàn Quốc phải đóng thép Hàn Quốc, nếu đóng thép Trung Quốc phải tháo ra. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh vẫn đang chờ ý kiến chính thức của Bộ”- ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay.
Yêu cầu thay 10 máy mới
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy hiệu Mitsubishi không đồng bộ và thay mới máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS. Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, khắc phục, Công ty TNHH MTV Nam Triệu chỉ thực hiện thay mới 10 máy hiệu Mitsubishi và hộp số, hệ trục chân vịt cho phù hợp.
Đối với máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn, Công ty TNHH MTV Nam Triệu chỉ thực hiện bảo hành theo đúng hợp đồng, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới của hãng máy do vậy giữa chủ tàu và Công ty chưa thống nhất.
Theo giải trình của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn là máy mới đúng chủng loại theo Hợp đồng, Công ty thực hiện trách nhiệm bảo hành và hiện tại đã có đầy đủ vật tư thiết bị mới để thay thế và đã sẵn sàng ngay việc duy tu, bảo dưỡng theo đúng hợp đồng. Việc thay máy mới cho ông Trần Đình Sơn, Công ty đề nghị có kết luận nguyên nhân hư hỏng của máy chính hiệu Doosan để có căn cứ làm việc với đơn vị cung cấp máy.
Về nội dung này, Sở NN& PTNT đề xuất mời Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đơn vị cung cấp máy thủy làm việc với chủ tàu để thỏa thuận, thống nhất và báo cáo UBND tỉnh.
Đối với các máy phụ, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Công ty TNHH MTV Nam Triệu thực hiện việc sửa chữa theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo cam kết và thống nhất với các chủ tàu ngày 30/6, có 4 tàu lưới vây của ông Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi, Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh yêu cầu kiểm tra lại giấy tờ, nguồn gốc, xuất xứ của máy nếu không đúng hợp đồng thì Công ty phải thay lại máy mới theo đúng hợp đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân. Tuy nhiên, theo giải trình của 2 Công ty, các chủ tàu không chọn mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản, tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ trong 21 mẫu được Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố mà lựa chọn thiết kế tàu của các đơn vị thiết kế xây dựng, trình duyệt riêng cho từng chủ tàu.
Toàn bộ chi phí thiết kế đã đưa vào dự toán được chủ tàu đồng ý, thẩm định giá duyệt dự toán, ngân hàng chấp nhận làm căn cứ để ký hợp đồng thi công đóng tàu. Tiền thiết kế phí này đã được 2 Công ty thanh toán cho đơn vị thiết kế theo giá trị trong hợp đồng.
Doãn Công