Vụ gạo ST25 tại Mỹ: Vẫn chưa mất nhưng sẽ mất nếu không nhanh

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu doanh nghiệp không kịp thời xử lý thì có thể bị mất.

Vụ gạo ST25 tại Mỹ: Vẫn chưa mất nhưng sẽ mất nếu không nhanh - 1

Thương hiệu gạo ST25 chưa mất, doanh nghiệp cần khẩn trương có động thái kịp thời để bảo vệ thương hiệu.

5 doanh nghiệp tại Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam, theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).

Nếu bị doanh nghiệp đăng ký bản quyền tại Mỹ thì Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ.

Thông tin này ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận. Bởi thực tế trước đó đã từng có một số thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên ngày 22/4, Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, xây dựng một thương hiệu đã khó nhưng phát triển và bảo vệ thương hiệu trong thị trường trong nước và quốc tế lại càng khó khăn.

"Gạo ST25 không phải là câu chuyện mới mà phổ biến ở thương mại quốc tế, vì khi thương hiệu sản phẩm của anh nổi tiếng, có giá trị, chất lượng thì sẵn sàng có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường. Do vậy, khi sản phẩm có thương hiệu tốt phải luôn có ý thức bảo hộ thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là ở nước ngoài", ông Phú nói.

Ông Phú cũng cho biết, nếu ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của thương hiệu gạo ST25 - không sớm có động thái để bảo vệ thương hiệu ở thị trường nước ngoài thì gạo ST25 có nguy cơ bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Vụ gạo ST25 tại Mỹ: Vẫn chưa mất nhưng sẽ mất nếu không nhanh - 2

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua giới thiệu việc canh tác lúa ST24, ST25 (Ảnh: Nhật Hồ/Lao động).

"Trong sáng nay, chúng tôi đã liên hệ với anh Cua, giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, năng lực về việc này có thể giúp anh khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ, cung cấp minh chứng, bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 với mong muốn đòi lại và được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này", ông Phú thông tin.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại: "Đây là nguy cơ, chúng ta vẫn chưa bị mất nhưng nếu ta không làm gì, không làm kịp thời thì có thể bị mất".

"Trong hồ sơ hiện nay có 5 hồ sơ đã nộp rồi, đang trong trạng thái đang kiểm tra", ông Phú nói. Theo vị này, quy trình là 6 tháng, nhưng mình không biết họ nộp từ bao giờ, nên nếu sau thời gian trên không có ai kiện cáo, khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp. Nên nếu không sớm có hồ sơ, thông tin phản hồi thì khó.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu", ông Phú nhấn mạnh và cho biết thêm doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.

Cũng theo đại diện Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.

Về việc hỗ trợ của Bộ Công Thương, ông Phú cho biết, trước đây cũng đã có cảnh báo và khuyến nghị ông Hồ Quang Cua chủ động bảo vệ thương hiệu. Chương trình thương hiệu quốc gia, xúc tiến chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào, nên không thể có hỗ trợ trực tiếp.