Vụ con ruồi đổi lấy 500 triệu: Luật pháp và văn hóa ứng xử với người tiêu dùng
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc “Con ruồi đổi lấy 500 triệu”, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - PCT Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng.
Ông đánh giá như thế nào về sự việc anh Võ Văn Minh (SN 1980, ở An Cư, Cái Bè, Tiền Giang) khi phát hiện chai nước có ruồi đã đòi nhận bồi thường và sau khi nhận 500 triệu đồng từ phía công ty TNHH Tân Hiệp Phát đã bị công an bắt giữ và khởi tố?
Tôi nghĩ đây là vụ việc rất đáng tiếc. Đã có bài học đau xót tương tự trong vụ con gián trong chai trà xanh của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát xảy ra vào giữa năm 2012, nay lại diễn ra với vụ con ruồi trong chai nước Number One (chưa rõ giả hay thật) mang nhãn hiệu của công ty TNHH Tân Hiệp Phát.
Anh Minh cùng chai nước có ruồi và số tiền đòi bồi thường
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ở góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng hành động của anh Minh không thể gọi là đúng mực, mà trái lại, vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Chỉ vì không chế ngự được lòng tham đã sử dụng quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài phạm vi pháp luật cho phép nên đã bị pháp luật can thiệp. Anh Minh sai đến đâu sẽ được cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ và xử lý.
Trong những trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng như vậy, người tiêu dùng nên làm gì?
Trong những trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng như vậy, người tiêu dùng nên hành động một cách sáng suốt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như cho cộng đồng.
Cụ thể, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bên sản xuất, cung ứng hàng hóa bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nếu không được giải quyết một cách hợp lý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Trung ương hoặc địa phương, hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tùy tính chất vụ việc, có thể đưa ra cơ quan Trọng tài Thương mại hoặc khởi kiện ra Tòa án.
Để bảo vệ quyền lợi cộng đồng, theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục.
Ông đánh giá như thế nào về hành động của Tân Hiệp Phát khi dư luận cho rằng doanh nghiệp này đã nhiều lần đưa người tiêu dùng đòi bồi thường vào tù?
Nếu như việc đưa người tiêu dùng vào “bẫy” để rồi họ phải đối mặt với vòng lao lý là có thật, giống như kịch bản được lặp lại thì tôi cho rằng cách hành xử của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng như vậy là không thể chấp nhận được.
Có nhiều cách để doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Không biết người tiêu dùng kia đã gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp đến đâu mà phải chọn giải pháp mạnh tay này. Hội chúng tôi, trong công tác giải quyết khiếu nại, cũng đã gặp trường hợp người tiêu dùng yêu cầu bồi thường thiệt hại một cách quá đáng.
Trong trường hợp như vậy, tất nhiên chúng tôi không ủng hộ vì nó trái pháp luật cũng như lẽ công bằng trong đời thường. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra lời khuyên để vụ việc được giải quyết một cách hợp lý, đúng pháp luật, tránh cho người tiêu dùng bị thiệt hại nhiều hơn, đồng thời doanh nghiệp cũng có lối thoát.
Một câu hỏi đặt ra, nếu không phải sản phẩm của mình thì tại sao công ty phải thương lượng với khách hàng về giá bồi thường, thậm chí “mua sự im lặng”?
Ông nghĩ sao về làn sóng dư luận, đặc biệt là cư dân mạng đòi “tẩy chay” sản phẩm của Tân Hiệp Phát? Liệu điều này có đúng mực?
Tôi cho rằng cái gì cũng có cái giá của nó vì vậy việc ứng xử với người tiêu dùng thế nào thì sẽ nhận được ở người tiêu dùng sự ứng xử trở lại theo nhiều cách, miễn là phù hợp pháp luật.