DMagazine

"VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay"

(Dân trí) - Theo chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam, "bong bóng" chứng khoán sẽ không xuất hiện, VN-Index có thể vượt mốc 1.200 và chạm đỉnh lịch sử 1.400 điểm vào cuối năm 2021.

"BONG BÓNG" CHỨNG KHOÁN SẼ KHÔNG XUẤT HIỆN TRONG NĂM 2021

Thưa ông, đầu năm 2021, nhiều "kỳ tích" đang xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là chỉ số VN-Index tiến dần tới mốc 1.200. Nhà đầu tư lo ngại "bong bóng" chứng khoán xuất hiện trở lại như giai đoạn 2007 - 2008. Góc nhìn của ông?

Nếu xét tương quan, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, thị trường sẽ có những điểm giống và khác nhau khiến nhà đầu tư so sánh và liên tưởng. Nhưng câu chuyện "bong bóng" chứng khoán liệu có tái xuất vào năm 2021 hay không thì khả năng cao là không.

VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay - 1

Ông Trần Nhật Nam từng là Giám đốc mảng M&A của KPMG Hà Nội; Giám đốc ngân hàng đầu tư của Vietnam Partners tại Việt Nam và New York; Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc iWealth; Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối ngân hàng đầu tư SHB và là chuyên gia tài chính độc lập.

Theo tôi, các nhà đầu tư lo ngại "bong bóng" chứng khoán xuất hiện là tâm lý chung, dễ hiểu khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn cao trào và hưng phấn.

Ngoài việc dòng tiền ồ ạt đổ vào các giao dịch thì chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh, kéo theo lượng tài khoản mở mới tăng vọt cũng khiến thị trường trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trước những cơn rung lắc, điều chỉnh mạnh từ thị trường chứng khoán gần đây, ông có niềm tin gì khi cho rằng rủi ro "bong bóng" không thể xảy ra trong năm 2021?

Cách đây đúng 14 năm, vào ngày 12/3/2007 chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm, tức là gấp 3,9 lần so với thời kỳ đầu của năm 2006. Sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng lớn, "bong bóng" xuất hiện và kéo dài đến tận năm 2009 - 2010. Nguyên nhân là do quá trình tích tụ lâu dài của nguồn vốn nội, ngoại ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán dẫn đến tình trạng mất kiểm soát.

Nhìn lại dòng lịch sử, vào những năm 2004 - 2005, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam chủ yếu là dòng tiền FDI (đầu tư nước ngoài). Nhờ thế mà kinh tế Việt Nam được tạo đà phát triển, dẫn dắt thị trường chứng khoán bùng nổ, sôi động theo. Nhưng khi các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư gián tiếp (FII) đổ một lượng lớn tiền vào thị trường khiến nền chứng khoán non trẻ ấy không kịp trụ vững, chống đỡ nổi. Đồng nghĩa với việc "bong bóng" chứng khoán xuất hiện.

VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay - 2
VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay - 3

Chính diễn biến này đã xây dựng niềm tin ảo cho các nhà đầu tư về việc "cứ mua là thắng", dẫn đến tâm lý tiêu dùng hưng phấn, kích thích mua sắm. Nhưng nhìn nhận từ góc độ khách quan và thẳng thắn, thời điểm ấy, Việt Nam dù được hưởng lợi lớn từ FDI nhưng ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, hàng hóa nội địa không đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Từ đó mới xuất hiện lạm phát, sự mất giá của đồng tiền, mất giá nội tệ so với đồng đô la. Giá vàng tăng, lãi suất tiết kiệm tăng, lãi suất huy động tăng. 

Giá trị nhập khẩu tăng cao, chênh lệch lớn với với xuất khẩu, làm cho cán cân thương mại mất cân bằng. Thế nến, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 200 7 - 2008 sụp đổ là tất yếu.

Còn hiện tại, năm 2021, đông đảo các nhà đầu tư FDI quay lại  Việt Nam là do mối quan hệ Mỹ và Trung trở nên căng thẳng, nhờ thế mà chúng ta được hưởng lợi.

Một điểm cộng lớn, ghi bàn với quốc tế là Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 tốt. Đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư thêm tin tưởng vào thị trường Việt Nam khi thấy nền kinh tế nội địa ổn định và có tiềm năng phát triển. Điều đó được thể hiện khi dòng tiền FII liên tục được đổ vào thị trường chứng khoán khiến chỉ số VN-Index tiến dần tới mốc 1.200.

So sánh với trước kia, nội lực của nền kinh Việt Nam giờ khá vững mạnh. Hiện tại, năng lực sản xuất hàng hóa trong nước tốt, đủ cung ứng cho thị trường nội địa. Cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối tốt nên đây là tín hiệu đáng mừng cho các nhà đầu tư mà không phải là tâm lý lo ngại.

Theo ông, nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá trong năm 2021?

Theo tôi dự đoán, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng đều ở các nhóm ngành mà không phụ thuộc vào 1 - 2 nhóm ngành. Bởi sự tăng trưởng vừa qua được tạo bởi năng lực sản xuất nội tại tốt của nền kinh tế, chứ không phải sự xuất hiện của "bong bóng". 

Tuy nhiên, một số nhóm ngành sẽ có những bước tiến, nổi trội hơn cả là dịch vụ tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Căn cứ là bởi, dòng tiền đổ vào các nhóm ngành tài chính, ngân hàng sẽ có thời điểm chốt lời nhất định. Và thường sau đó, dòng tiền này sẽ dịch chuyển sang  một kênh đầu tư quen thuộc là bất động sản.

Còn các ngành sản xuất về hàng tiêu dùng hay liên quan đến xuất nhập khẩu cũng sẽ giữ đà phát triển, du lịch có thể kém hơn một chút do chịu tác động từ dịch Covid-19. Còn những ngành mang tính chất hạ tầng như điện tử, viễn thông thì đã đạt ngưỡng, chỉ có thể duy trì ở mức ổn định chứ không thể dẫn dắt được nữa. Đặc biệt, nhóm ngành y tế, dược vẫn sẽ  giữ nguyên, ở mức bình thường, chứ không bùng nổ như nhiều đồn đoán, kỳ vọng.

F0 Ồ ẠT GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG LÀ TÍN HIỆU VỪA MỪNG VỪA LO

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua chứng khiến nhiều phiên tăng điểm ấn tượng, kéo theo đó là lượng lớn các nhà đầu tư mới hay còn gọi F0 gia nhập thị trường. Theo ông, tín hiệu này đáng lo hay đáng mừng? 

Sự gia nhập lớn của các nhà đầu tư F0 vào thị trường chứng khoán khiến tôi vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ là thị trường sẽ có thanh khoản tốt, tạo ra nhiều năng lượng mới triển vọng. Nhưng việc đổ tiền ồ ạt của các nhà đầu tư F0 vào chứng khoán nếu không được kiểm soát tốt sẽ đi theo vết xe đổ của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2008. Bởi hầu hết các nhà đầu tư F0 đều không có kinh nghiệm, không hiểu rõ về thị trường. Cộng thêm tâm lý hưng phấn, thái quá, mất kiểm soát thì đây chính là mối lo.

Do đó, các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư F0 khi đổ tiền vào chứng khoán phải hết sức cẩn trọng. Chúng ta nên chọn những mã chứng khoán tốt nhất, có lợi nhuận, trả cổ tức bằng tiền và sở hữu tình hình kinh doanh ổn định trong nhiều năm. Tránh nghe theo những lời đồn thổi, đổ tiền vào những mã chứng khoán mang tính chất "bong bóng".

Như hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 2.000 mã nhưng chỉ có khoảng 200 mã xứng đáng bỏ tiền vào đầu tư. Còn đâu, nhiều mã có tình hình làm ăn rất không ổn định, đáng lo ngại, mang tính chất thổi giá là nhiều.

VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay - 4

Lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp khiến làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán tiếp tục tăng cao. Các nhà đầu tư có nên rút tiền ở ngân hàng đổ vào chứng khoán? 

Thực ra, đây là 2 thị trường liên thông rất rõ ràng. Mọi người thấy lãi suất tiền gửi rẻ liền rút tiền ra, đổ vào các kênh đầu tư khác là điều hiển nhiên. Nếu lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục thấp như thế thì xu hướng này sẽ kéo dài cho đến một thời điểm cân bằng. Theo tôi dự đoán, thời điểm cân bằng ấy sẽ xảy ra vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Còn hiện tại, việc rút tiền ở ngân hàng đổ vào chứng khoán, bất động sản thì vẫn có những kỳ vọng. Nhưng các nhà đầu tư tuyệt đối không được chôn quá sâu vào những bất động sản khó bán và mã chứng khoán không thể thanh khoản được.

Giả sử nhà đầu tư có 1 tỷ đồng thì cùng lắm chỉ nên rút 20 - 30% đổ vào chứng khoán, cùng lắm là 50% và hãy chọn những mã có độ ổn định cao hoặc bluechip. Đặc biệt là đừng tham vào những mã được môi giới đồn thổi là tăng nhanh, bởi khi thị trường quay đầu là mất rất nhanh.

Thế nên, nhà đầu tư không nên rút toàn số tiền tiết kiệm ở ngân hàng đổ vào chứng khoán. 

ĐẦU TƯ THÔNG MINH VỚI "CÁI ĐẦU LẠNH"

Việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào quy mô vốn. Là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tài chính, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc lựa chọn kênh đầu tư cho phù hợp với các mức vốn đề ra?

Từ kinh nghiệm của tôi về quản lý, tư vấn danh mục đầu tư cân bằng cho các nhà đầu tư dài hạn thì con số 30 - 40% đổ vào chứng khoán là hợp lý, số còn lại là tập trung vào tiền gửi, trái phiếu hay bất động sản.

VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm nay - 5

Giả sử như nhà đầu tư có dưới 1 tỷ đồng thì nên đầu tư 50 - 70% vào trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm, 30 - 40% cho chứng khoán. Với số tiền này, người chơi nên chọn những mã lớn có thanh khoản tốt hay bluechip. Còn với bất động sản để có cửa để đầu tư là rất khó.

Với mức vốn 1 - 10 tỷ đồng thì sự lựa chọn sẽ đa dạng hơn. Các nhà đầu tư nên tập trung vào kênh bất động sản từ 40 - 50%. Mọi người có thể mua được 1 mảnh đất hoặc 1 - 2 căn hộ. Căn hộ thì không có tiềm năng tăng giá nhưng có thể khai thác để cho thuê. Còn muốn hưởng lợi từ sóng bất động sản thì nên chọn mua đất nền, nơi có vị trí tốt, quy hoạch rõ ràng. Phần còn lại, nhà đầu tư có thể chia đều vào chứng khoán hay tiền gửi.

Còn với mức vốn trên 10 tỷ đồng, thậm chí là vài trăm tỷ đồng thì việc rót vốn vào giỏ chứng khoán khá là khó khăn, Bởi các nhà đầu tư thường rất khó chọn được mã cổ phiếu ưng ý. Trong khi, thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng không đáp ứng đủ với mức tiền lớn như vậy. Thế nên, với mức vốn lớn, các nhà đầu tư thường chọn kênh đầu tư là bất động sản với tỷ lệ 50 - 60%, còn chứng khoán, tiền gửi là 30 - 40%.

Mới đây, các giải pháp chống tắc nghẽn cho hệ thống được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đề xuất, như phương án nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 và có thông tin sẽ nghiên cứu cho ngưng việc hủy, sửa lệnh, ông đánh giá thế nào?

Với tư cách là người tư vấn tài chính dài hạn, tôi chú trọng đến chiến lược mua và nắm giữ (buy and hold) không giao dịch mua vào bán ra nhiều (trading) trên thị trường. 

Việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu cho mỗi lệnh giao dịch, theo tôi, đây là vấn đề thuần túy về mặt công nghệ, HSX đã dự đoán được điều này cách đây cả 10 năm và đã có dự án thay core từ rất lâu. 

Nếu tình cảnh bắt buộc phải nâng lô lên 1.000 thì tôi thấy chúng ta buộc phải chấp nhận tạm thời. Bởi sự thay đổi này sẽ chỉ ra những điểm yếu về mặt công nghệ trước đó, để việc thay core được làm quyết liệt hơn và tốt cho thị trường trong tương lai.

Từ góc nhìn của tôi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì càng ít giao dịch càng tốt, vì thực ra, giao dịch càng nhiều thì dễ mất tiền. Nhà đầu tư hãy tham gia thị trường khi có số tiền đủ lớn, đủ kiến thức thì lúc đó lô 100 hay lô 1.000 không phải là vấn đề nữa.

Nhận định của ông về diễn biến, tình hình chung của thị trường chứng khoán trong năm 2021?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm khá nhiều vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Nên tôi dự đoán, những tháng tiếp theo của năm 2021, chứng khoán sẽ không tăng quá mạnh nhưng sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ hấp dẫn so với lãi suất cố định và có thể vượt mốc 1.200.

Theo ước lượng khả quan của tôi, chỉ số VN-Index có thể tiến tới mốc 1.300, thậm chí là chạm đỉnh lịch sử 1.400 điểm vào cuối năm 2021. Bởi so sánh tương quan giữa định giá của thị trường Việt Nam với các nước trong khu vực thì vẫn ở mức chấp nhận được, không phải là quá cao. Đồng thời, nền tảng của nền kinh tế cũng không có những tác động tiêu cực để xuất hiện khiến "bong bóng" chứng khoán, "bong bóng" bất động sản phải vỡ.

Xin cám ơn ông!