Chống "tắc" cho HSX:
"Nâng lô lên 1.000 cổ phiếu là phương án dở nhất mà tôi thấy"
(Dân trí) - Đưa ra những góp ý "thông đường" cho HSX, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cũng đánh giá, ý định nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là giải pháp dở nhất trong các giải pháp!
Trong phiên giao dịch ngày 4/3, đặc biệt là ở phiên buổi sáng, tình trạng "ùn tắc" tái diễn trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX).
Giữa bối cảnh thị trường lao dốc và giá trị tài khoản của nhà đầu tư không ngừng "bốc hơi" thì dữ liệu lệnh mua - bán trên bảng giá lại hiển thị sai lệch khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh tù mù, "bịt mắt dò đường".
Vấn đề này không phải đến nay mới xảy ra mà đã kéo dài gần 3 tháng qua. Dù thế, phía HSX vẫn chưa thể khắc phục. Một số giải pháp được phía nhà điều hành đặt ra và vẫn còn gây tranh cãi.
Phóng viên báo Dân Trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk, cũng là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán.
Đi ngược mục tiêu của Chính phủ về thu hút nhà đầu tư chứng khoán
Thưa ông, cho đến nay tình trạng "nghẽn lệnh", quá tải trên HSX đang rất gây ức chế cho cộng đồng nhà đầu tư và để giải quyết tình trạng này, ông Lê Hải Trà - CEO HSX - có đề cập đến việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu cho mỗi lệnh giao dịch. Ông thấy giải pháp này như thế nào?
- Theo như tôi thấy thì trong các giải pháp để giúp HSX "thông đường", nâng lô tối thiểu đối với toàn bộ các cổ phiếu lên 1.000 là phương án dở nhất, mang tính áp đặt nhất.
Tôi cho rằng, nếu phương án này được chấp thuận thì sẽ đi ngược với chủ trương của Nhà nước và đi ngược mục tiêu của Chính phủ về lan tỏa hoạt động đầu tư chứng khoán đến với người dân, nâng cao vai trò của chứng khoán là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc nâng lô tối thiểu với toàn bộ các cổ phiếu lên 1.000 chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư trên thị trường, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có tâm lý "ngại", "không dám" đầu tư vào những cổ phiếu có thị giá lớn - không chỉ là các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng thôi đâu, mà ngay cả những cổ phiếu trên 40.000 đồng cũng vậy. Có rất nhiều cổ phiếu tốt ở vùng giá này.
Nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm vào các cổ phiếu thị giá nhỏ, mang tính rủi ro cao. Vậy thì làm sao có thể nói là "bảo vệ nhà đầu tư cá nhân tốt hơn" được!
Còn về dụng ý lấy đây là rào cản kỹ thuật để "ép" các nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ, tham gia quỹ này quỹ kia, tôi cho là họ không hiểu về thị trường. Đa phần nhà đầu tư đều muốn được trực tiếp tham gia đầu tư hơn là ủy thác cho các quỹ. Không làm như thế được.
Như chị thấy, lô tối thiểu cho 1 lệnh giao dịch trước đây là 10 cổ phiếu và mới đầu năm nay được yêu cầu tăng lên 100 cổ phiếu, nay lại muốn nâng tiếp lên 1.000 cổ phiếu tức là nâng gấp 100 lần chỉ trong thời gian quá ngắn. Thế giới không ai làm vậy. Việc này đi ngược với thông lệ quốc tế và càng không hợp lý với thị trường Việt Nam.
Nếu đã nghĩ đến việc nâng lô thì phải nghiên cứu nâng thế nào để hài hòa lợi ích các bên, nâng thế nào để thu hút nhà đầu tư, tăng thanh khoản cho thị trường, chứ còn nâng lô mà để cho thanh khoản giảm, thị trường kém hấp dẫn thì không đúng. Một giải pháp mà chỉ để cho khỏe việc điều hành thì sao không nâng lên 2.000, 3.000 cổ phiếu? Không nên như vậy.
Một số chuyên gia khác trong ngành cũng đã chỉ ra nếu nâng lô giao dịch tối thiểu lên với mọi cổ phiếu khiến cho thanh khoản trên thị trường bị sụt giảm thì sẽ tạo nên hệ quả rất xấu.
Nhưng hiện tại có vẻ như chứng khoán vẫn hấp dẫn và đang không ngừng thu hút nhà đầu tư mới?
- Đúng vậy, nhưng cứ nếu cứ tạo "rào cản kỹ thuật" như thế thì sẽ giảm tính hấp dẫn của chứng khoán. Nay tiền đang "rẻ" nhưng sắp tới có thể lợi thế này sẽ giảm đi hoặc không còn nữa, vậy thì nhà đầu tư nếu bị "ép" họ sẽ rời bỏ chứng khoán để chuyển nguồn vốn sang các loại tài sản khác như bất động sản. Thế thì không đúng mục tiêu mà Chính phủ đang hướng tới.
Mục tiêu của Chính phủ đó là muốn có đến 5% dân số tiếp cận được với chứng khoán, là một kênh để doanh nghiệp huy động vốn và cũng là tạo điều kiện cho Nhà nước bán bớt vốn, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp một cách thuận lợi.
Việc chuyển sàn không đơn giản
Thế còn phương án cho một số doanh nghiệp "chuyển nhà" sang HNX "ở tạm" thì sao thưa ông? Tôi thấy phương án này đã được Bộ Tài chính phê duyệt và phía nhà chức trách cũng đã có hướng dẫn…
- Về phương án chuyển sàn tạm thời, theo tôi có 3 vấn đề lớn:
Một là, ai là người "chịu" chuyển sàn? Chuyển trên tinh thần tự nguyện, vậy thì doanh nghiệp họ có tự nguyện "chuyển ngược" từ HSX về HNX không? Cái này không đơn giản.
Trong quyết định chuyển sàn của doanh nghiệp, kể cả khi người lãnh đạo là chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc đồng ý đi chăng nữa thì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, những vấn đề như vậy bắt buộc phải thông qua Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết nghị.
Hơn nữa lại bắt buộc là phải họp ĐHĐCĐ chứ không được phép lấy ý kiến bằng văn bản. Bây giờ là tháng 3 rồi, cũng đến mùa họp ĐHĐCĐ nhưng kể cả như vậy thì cũng mất thời gian chờ đợi đến hàng tháng. Mà chắc gì cổ đông công ty đã đồng ý.
Tiếp theo, trong trường hợp không vận động được các doanh nghiệp tự nguyện chuyển sàn thì sẽ thế nào? Hoặc là số lượng doanh nghiệp tự nguyện ít, hay là rơi vào những doanh nghiệp có thanh khoản cổ phiếu thấp thì về bản chất cũng không giải quyết được gì vì không giảm được tình trạng "tắc đường" trên HSX.
Vậy thì để thực hiện được giải pháp này sẽ phải chỉ định, nghĩa là bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển chứ không phải trên tinh thần tự nguyện nữa.
Thực tế là cái này không mới. Thế giới họ đã từng làm rồi theo kiểu "phân bảng" cho cổ phiếu, chỉ có điều là có thể sẽ có doanh nghiệp cảm thấy ấm ức. Nhưng nếu vậy thì UBCKNN sẽ chỉ định dựa trên tiêu chí nào? Theo vốn hóa, theo kết quả kinh doanh, theo thanh khoản/vốn, theo thị giá hay theo nhóm ngành?
Nói chung là chỉ định doanh nghiệp chuyển sàn thì sẽ khả thi hơn, nhưng tôi nghĩ, việc ép buộc đó sẽ có thể gặp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp, từ các cổ đông, các nhà đầu tư. Làm được cũng phải mất mấy tháng.
Vấn đề thứ ba là sau khi chuyển sàn, cứ cho là sẽ lập ra một bảng mới "ở nhờ" trên HNX, vậy thì bảng này có được tính vào các chỉ số ở HNX hay không và HNX-Index có bị ảnh hưởng không? Nói gì thì nói, HNX cũng có cách xây dựng của họ, có tiêu chí của họ.
Rồi thì các quỹ ETF thường sẽ chỉ áp tiêu chuẩn của họ theo cổ phiếu trên HSX. Dù nói rằng cổ phiếu rổ VN30 sẽ không chuyển đi, nhưng ngay cả VN30 cũng có những đợt review. Thế thì các cổ phiếu phải chuyển nhà, chưa được thêm mới vào các rổ chỉ số nào đó sẽ gần như không bao giờ còn có thể có cơ hội nữa. Vậy có công bằng không?
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Vậy với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có góp ý gì để giải quyết vấn đề?
- Như tôi đã phân tích ở trên, phương án nào thì cũng cần thời gian cả. Mà bây giờ tình thế của chúng ta là đã "nước ngập đến cổ" rồi chứ không phải là "đến chân" nữa. Kéo dài ngày nào thì còn tắc đường ngày đó, còn thiệt hại cho nhà đầu tư và cho thị trường chung.
Theo tôi là phải làm đồng bộ nhiều giải pháp cùng lúc: Một là mời gấp chuyên gia Thái Lan sang để nhanh chóng đưa hệ thống công nghệ phần mềm KRX sớm vào hoạt động.
Hai là nâng lô nhưng phải theo thị giá. Tức là với cổ phiếu dưới 10.000 đồng thì nâng lô lên 1.000; cổ phiếu thị giá dưới 50.000 đồng thì nâng lô lên 500; cổ phiếu dưới 100.000 đồng thì nâng lô lên 200; và cổ phiếu mệnh giá trên 100.000 đồng thì giữ nguyên lô 100 như hiện nay. Còn nếu kỹ thuật không làm được có thể nâng lô đồng loạt lên 200 hoặc 300 thôi.
Ba là nâng bước giá đồng loạt lên 100 (và có ý kiến là nên chuyển sản phẩm chứng quyền qua giao dịch trên sàn HNX). Bốn là tạo điều kiện chuyển sàn thật nhanh cho các doanh nghiệp có ý muốn chuyển, thậm chí là chuyển ngay tức khắc toàn bộ nhóm dịch vụ chứng khoán sang HNX, nhưng khi có hệ thống mới phải để họ chuyển lại một cách dễ dàng. Năm là, các công ty chứng khoán được UBCKNN hỗ trợ tài chính để mua lại cổ phiếu lẻ với giá tham chiếu trong một ngày nhất định trong tháng.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tôi hi vọng hệ thống HSX sẽ sớm thông suốt!
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!