Việt Nam xuất khẩu gần 3 tỷ USD rau quả, Trung Quốc chiếm tới gần 70%
(Dân trí) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính sơ bộ kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam là hơn 2,8 tỷ USD. Đáng chú ý, riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã gần 2 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam.
Xếp ngay sau Trung Quốc là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… Tuy nhiên, khoảng cách kim ngạch xuất khẩu rau quả giữa thị trường số 1 với thị trường số 2 là Mỹ còn quá xa.
Bởi chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc đã nhập tới gần tỷ USD rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Mỹ chỉ là 111 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang dẫn đầu bảng, nhưng theo bà Yang Cheng, Đại diện Ban Tổ chức triển lãm HortEx Vietnam thì Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa.
“Việt Nam và Trung Quốc có nét tương đồng về văn hoá. Hơn nữa, thời tiết Việt Nam thuận lợi hơn để trồng rau quả nên vẫn còn có thể xuất khẩu rất nhiều. Nhất là trái sầu riêng, hiện nay Trung Quốc đang nhập khẩu từ Thái Lan là chính. Nhưng quả sầu riêng của Việt Nam còn ngon hơn. Tuy nhiên, Việt Nam nên hạ giá thành để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, rồi từ đó mới nâng cao giá trị”, bà Yan Cheng cho biết thêm.
Ngoài thị trường rộng lớn là Trung Quốc, hiện nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có mặt ở 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tuy nhiên trong đó, 85% vẫn là các nước trong khu vực châu Á.
Thế nhưng theo nhận định của ông Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Hội thảo chuyên đề về xuất khẩu rau, hoa quả và những chuyển động mới từ thị trường Á - Âu diễn ra hôm nay (24/10) tại Hà Nội thì, thị trường châu Âu đang cần rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như điều, gạo, rau, hoa quả và cá…
Vì thế, khi các hiệp định EVFTA được kí kết, sẽ là một điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, theo ngài Đại sứ, Việt Nam và Hà Lan cần hợp tác với nhau để cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
Để làm được điều đó thì Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Hà Lan, một đất nước phát triển vững mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có một bài học mà ông Willem Schoustra chia sẻ đó là, sự thành công này không đến chỉ qua một đêm. Những sản phẩm nông nghiệp của Hà Lan xuất khẩu đi toàn thế giới là những sản phẩm ngoài chất lượng còn có tính sáng tạo và tính bền vững. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc đầu tư công nghệ mới và những thiết bị hiện đại, vì nó sẽ là tiền đề để hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi phát triển và chuỗi cung ứng.
Đồng ý với quan điểm của ngài Đại sứ, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, bên cạnh những thuận lợi do EVFTA và IPA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.
“Các doanh nghiệp cần từng bước trang bị kiến thức, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) là cầu nối lý tưởng để doanh nghiệp rau, quả Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, công nghệ cũng như tiếp cận khách hàng”, ông Hòa nhấn mạnh.
Thế Hưng