1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Vàng tăng điên cuồng, “đế chế” của bà Cao Thị Ngọc Dung có kiếm bộn?

Mai Chi

(Dân trí) - PNJ có thể hưởng lợi nhờ lượng vàng tồn kho giá thấp đã chuẩn bị trong năm 2019 nhưng điều này có thể gây áp lực lên giá vốn trong dài hạn khi phải mua nguyên liệu với chi phí cao hơn.

PNJ thay một loạt nhân sự cấp cao

Sau một số phiên biến động ở biên độ hẹp, cổ phiếu PNJ phiên hôm qua (13/8) đã bứt tốc và tăng giá mạnh 1.400 đồng tương ứng 2,56% lên 56.000 đồng.

Vàng tăng điên cuồng, “đế chế” của bà Cao Thị Ngọc Dung có kiếm bộn? - 1

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ

Hội đồng quản trị PNJ mới đây vừa thông qua các nội dung về điều chỉnh cơ cấu tổ chức và nhân sự từ 10/8. Theo đó, công ty miễn nhiệm chức danh Giám đốc Khối Bán lẻ và Giám đốc Khối Cung ứng; đồng thời phân công Tổng giám đốc Lê Trí Thông trực tiếp quản lý, điều hành hai khối này kể từ ngày 10/8 nhằm gắn kết hoạt động của hai khối.

PNJ cũng đồng thời miễn nhiệm chức danh Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin theo đơn thôi việc theo nguyện vọng cá nhân và bổ nhiệm ông Đặng Hải Anh thay thế từ ngày 20/8.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung còn giải thể Tiểu ban Tài chính và thành lập Tiểu ban kiểm toán nội bộ thuộc Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị - ông Lê Quang Phúc làm Trưởng Tiểu ban kiểm toán nội bộ.

Trong quý 2/2020, kết quả kinh doanh của PNJ suy yếu nặng nề, lần lượt giảm 7,2% và 81,3% doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ xuống còn 2.270 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Sự sụt giảm chủ yếu do 22 ngày giãn cách xã hội trong tháng 4.

Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia phân tích VNDirect, đã có sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận ròng trong tháng 6, lần lượt tăng 4% và 6% so với cùng kỳ, tăng 20% và 74% so với tháng trước. Kết quả này do hiệu ứng dồn nén cầu sau đợt giãn cách xã hội, làm tăng doanh thu mảng bán lẻ trang sức lên 26% so cùng kỳ (tăng 21% so với tháng 5/2020).

VNDirect cho rằng, với giá vàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua sẽ có thể giúp “đế chế” vàng bạc đá quý của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng biên lợi nhuận gộp mảng trang sức trong quý tiếp theo nhờ lượng vàng tồn kho giá thấp mà PNJ đã chuẩn bị trong năm 2019.

Tuy nhiên, mặc khác, nhu cầu về các sản phẩm trang sức sẽ giảm khi thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá vàng tăng có thể gây áp lực lên giá vốn trong dài hạn của PNJ khi phải mua nguyên liệu với chi phí cao hơn.

“Chúng tôi nhận thấy rằng P/E của PNJ có tương quan nghịch với giá vàng toàn cầu, đặc biệt là từ đầu năm 2020. Do đó, giá vàng tăng liên tục sẽ gây áp lực lớn tới chỉ số P/E của PNJ trong tương lai” - nhóm chuyên gia đánh giá.

Vàng tăng điên cuồng, “đế chế” của bà Cao Thị Ngọc Dung có kiếm bộn? - 2

Chứng khoán bước vào “sóng” tăng mới?

Với áp lực bán giảm hẳn và dòng tiền vào thị trường có phần cải thiện nhẹ, các chỉ số trên thị trường đều đạt được trạng thái tăng trong phiên 13/8, trong đó, đáng chú ý là VN-Index tăng khá mạnh 8,13 điểm tương ứng 0,96% lên 855,05 điểm.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,76 điểm tương ứng 0,66% lên 116,87 điểm và UPCoM-Index nhích thêm 0,08 điểm tương ứng 0,14% lên 56,86 điểm.

Thanh khoản đạt 256,24 triệu cổ phiếu tương ứng 4.448,43 tỷ đồng trên HSX và 38,36 triệu cổ phiếu tương ứng 414,68 tỷ đồng trên HNX. Khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 16,17 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 211,32 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường được bao phủ bởi sắc xanh. Có tới 522 mã tăng giá, 72 mã tăng trần so với 209 mã giảm, 26 mã giảm sàn.

Vàng tăng điên cuồng, “đế chế” của bà Cao Thị Ngọc Dung có kiếm bộn? - 3

Hầu hết các ngành nghề đều tăng điểm

Riêng trong rổ VN30, với 26 mã tăng giá, 2 mã giảm, 2 mã đứng tham chiếu, chỉ số này cũng đạt được mức tăng 6,67 điểm tương ứng 0,85% lên 795,09 điểm. Như vậy, mặc dù hầu hết cổ phiếu lớn có diễn biến tích cực nhưng không chi phối thị trường.

Cụ thể, hôm qua SAB tăng 4.100 đồng lên 183.000 đồng; MWG tăng 2.400 đồng lên 82.200 đồng; GAS tăng 1.400 đồng lên 72.500 đồng; VJC tăng 1.100 đồng lên 101.600 đồng; VCB tăng 900 đồng lên 83.000 đồng và VNM tăng 800 đồng lên 116.400 đồng. Các “ông lớn” khác như VIC, BID, VRE, CTG, HPG, MSN… cũng tăng giá.

Trong số này, VCB có ảnh hưởng đáng kể nhất đến VN-Index với đóng góp 0,95 điểm cho chỉ số chính. GAS và SAB lần lượt tác động 0,76 điểm và 0,75 điểm.

Tại thời điểm đóng cửa phiên 13/8, VCB đã vượt qua VIC của Vingroup, trở thành cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường, đạt 307.836,8 tỷ đồng.

Vàng tăng điên cuồng, “đế chế” của bà Cao Thị Ngọc Dung có kiếm bộn? - 4

VCB đã dẫn đầu về giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu “nóng” DAT ngắt mạch tăng hơn 30 phiên liền và đã bị bán chốt lời, giảm sàn xuống 85.700 đồng, trở thành một trong những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. GVR, NVL, EIB, VGC… cũng giảm giá và phần nào kiềm hãm VN-Index, tuy vậy, mức ảnh hưởng của những mã này đến chỉ số chính không đáng kể.

Các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, VN-Index vẫn theo chiều hướng tăng điểm và mức tăng mở rộng sau 5 phiên tăng chậm.

VN-Index đã vượt qua vùng cản 850 điểm và tiến đến vùng cản 855 điểm. Thị trường tiếp tục được thử thách tại vùng này nhưng nhìn chung xu hướng của thị trường vẫn đang dần hướng lên. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục giữ ổn định danh mục và quan sát thị trường.

Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS) thì thị trường đang được kỳ vọng sẽ bước vào sóng tăng mới khi đã phá vỡ trạng thái giao dịch trong biên độ hẹp kể từ đầu tuần, thanh khoản thị trường cũng từng bước được nâng lên và độ rộng thị trường rất tích cực.