Hồ sơ “siêu chất”, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung ứng cử vào HĐQT PNJ
(Dân trí) - Ái nữ của Chủ tịch PNJ sở hữu hồ sơ ứng cử với trình độ học vấn “khủng”, là Tiến sĩ kinh tế học tại Harvard và có kinh nghiệm công tác tại nhiều tổ chức trong và ngoài nước.
PNJ hạ mục tiêu kinh doanh năm 2020
Cổ phiếu PNJ phiên hôm qua (6/6) đã tạm khép lại tuần giao dịch ngay tại mức giá tham chiếu 63.700 đồng. PNJ đã có chuỗi giao dịch khá tốt với mức tăng gần 14% trong vòng 1 tháng qua.
Liên quan đến mã này có thông tin gây chú ý là bà Trần Phương Ngọc Thảo - con gái bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ - vừa ứng cử vào thành viên Hội đồng quản trị.
Bà Thảo hiện đang là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ và đang nắm hơn 5,7 triệu cổ phiếu PNJ, từng trải qua nhiều vị trí như Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, là Giám đốc Quản lý dự án của DongA Bank, Quản lý tại Ngân hàng ANZ (Úc).
Trong hồ sơ giới thiệu, bà Thảo có trình độ học vấn rất “khủng”. Cụ thể, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ là Cử nhân Quản lý kinh tế của Đại học Oxford, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của London Business School và đã là Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Harvard.
PNJ cũng vừa cập nhật thêm các nội dung trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 với ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo PNJ đã điều chỉnh chỉ tiêu lãi sau thuế hợp nhất từ 1.350 tỷ đồng xuống còn 832 tỷ đồng, giảm 38% so kế hoạch công bố trước đó.
Với kế hoạch điều chỉnh này, PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần 2020 đạt 14.486 tỷ đồng, giảm 31% so với kế hoạch ban đầu và giảm kế hoạch lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế lần lượt 27% và 38% xuống mức 2.896 tỷ đồng và 1.047 tỷ đồng.
Nếu đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 832 tỷ đồng, Ban lãnh đạo PNJ đề xuất thưởng 1%/lợi nhuận sau thuế cho Hội đồng quản trị và lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời, công ty cũng phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 1%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Nhiều cổ phiếu “nóng” vẫn tăng bất chấp làn sóng chốt lời
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua trải qua tình trạng giằng co rất căng thẳng. Các chỉ số hầu như chỉ lình xình quanh đường tham chiếu trong suốt phiên.
Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đóng cửa với mức tăng 2,32 điểm tương ứng 0,26% lên 886,22 điểm; HNX-Index tăng 0,66 điểm tương ứng 0,56% lên 118,08 điểm và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm tương ứng 0,19% lên 56,43 điểm.
Thanh khoản vẫn tốt. Dòng tiền vẫn bền bỉ chảy vào thị trường bất chấp việc nhiều nhà đầu tư đang thực hiện chốt lời để bảo toàn thành quả tăng giá của cổ phiếu thời gian qua.
Trên HSX, với khối lượng giao dịch đạt 499,6 triệu cổ phiếu, sàn này thu hút được dòng tiền trị giá 6.367,3 tỷ đồng. HNX có 67,33 triệu cổ phiếu giao dịch và thu hút được 720,58 tỷ đồng; UPCoM có 47,34 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 453,18 tỷ đồng.
Điểm tích cực là số lượng mã tăng giá hoàn toàn áp đảo trên quy mô toàn thị trường với 468 mã bật “xanh”, 96 mã tăng trần so với 282 mã giảm, 29 mã giảm sàn.
Có sự phân hoá khá rõ rệt trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Trong nhóm hỗ trợ thị trường hôm qua, BHN tăng 1.500 đồng lên 56.000 đồng; VNM tăng 1.400 đồng lên 119,200 đồng, CTD cũng hồi phục tăng 1.200 đồng lên 73.200 đồng, VPB, HPG, HVN, BID, TCB tăng giá.
Bên cạnh đó, những cổ phiếu “nóng” như HSG vẫn tăng trần lên 10.600 đồng; ITA tăng trần lên 4.640 đồng, DBC tăng giá thêm 2.700 đồng lên 54.000 đồng và có lúc đã chạm trần 54.800 đồng. ROS cũng tăng trần lên 3.450 đồng.
Thế nhưng, thị trường lại bị ảnh hưởng tiêu cực do nhiều “ông lớn” như VIC, GAS, CTG, VHM MSN, HDB giảm giá. Đây cũng chính là nguyên nhân chỉ số vẫn không thể bứt lên dù phần lớn cổ phiếu trên thị trường đều ủng hộ đà tăng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong những phiên đầu tuần và có thể gặp áp lực điều chỉnh trở lại về cuối tuần. VN-Index sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 888-893 điểm.
BVSC tiếp tục đưa ra cảnh báo về khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh đan xen trong quá trình đi lên khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.
Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Mai Chi