Từ đại án bầu Kiên, nói chuyện "méo mó" của sở hữu chéo
(Dân trí) - "Tôi biết là khó khăn vì thực tiễn phong phú lắm, bởi muốn ban hành một văn bản nào đó thì phải xem tác động của chính sách, nhưng nếu không quyết liệt hoàn thiện thể chế thì sẽ quản lý không tốt, khó khắc phục các tồn tại yếu kém", Thủ tướng nói.
Có lẽ chưa bao giờ cụm từ "sở hữu chéo" lại được đề cập thường xuyên và trực diện như thế trong khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây khi vụ án bầu Kiên bị phanh phui và sắp được đưa ra xét xử.
Mặc dù không phải hoàn toàn mang nghĩa xấu, nhưng "sở hữu chéo" vẫn nằm trong chủ trương bị hạn chế của cơ quan điều hành do những hệ lụy mà hình thức này mang lại, tác động tiêu cực tới sự lành mạnh hóa của hệ thống tài chính.
Thông qua sở hữu chéo, bầu Kiên đã tham gia hoạt động thao túng ngân hàng.
Làm méo mó và lệch lạc dòng chảy tiền tệ
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Hà Tĩnh “nổi cáu” vì HUD chây ì tiền sử dụng đất FPT 11 tháng hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận sau thuế |
Về vấn đề này, theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, việc làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế xuất phát từ tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo được coi là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính trong thời gian qua.
Nói "méo mó" và "lệch lạc" là bởi, có những cổ đông lớn của các ngân hàng chính là doanh nghiệp và rất có thể các doanh nghiệp này biến ngân hàng thương mại trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình.
Có thể thấy rất rõ điều này qua điển hình vụ bầu Kiên. Với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, bầu Kiên đã đóng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.
Tuy nhiên, nói đến "ma trận sở hữu chéo" phải đi từ 6 công ty do bầu Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên: Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; CTCP Đầu tư Thương mại B&B; CTCP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG); CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); CTCP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Trong đó, 5 công ty là B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng đã được Nguyễn Đức Kiên sử dụng để kinh doanh tài chính gần 10.000 tỷ đồng thông qua cách thức phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng ACB và một số ngân hàng khác rồi lại dùng tiền này để đầu tư, mua cổ phần vào các công ty khác trong đó có nhiều công ty của bầu Kiên.
Cụ thể, công ty B&B được bầu Kiên chỉ đạo sử dụng số tiền gần 2.350 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào một loạt công ty khác. Còn AFG dùng 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác là Công ty ACI, Công ty ACI-HN và Công ty ACBI.
Trong khi đó, ACBI dùng 1.433,392 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techcombank, Eximbank bất chấp việc không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của bầu Kiên, một công ty khác là ACI-HN cũng đã dùng 1.411,371 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, DaiABank, VietBank, KienLongbank và Eximbank.
Tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được, theo Viện KSND tối cao.
Thế nhưng, bầu Kiên có thể không phải là trường hợp duy nhất lợi dụng sở hữu chéo để trục lợi cá nhân. Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, TS. Đinh Tuấn Minh - thành viên nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đánh giá rằng, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng ngân hàng Việt Nam đã ở mức báo động.
Lách luật và những lỗ hổng pháp lý
Ở hội thảo ngày hôm qua, TS. Nguyễn Quang A đặt câu hỏi, vì sao trong định hướng về các quy định an toàn hiện nay chỉ là "hạn chế việc thao túng, kiểm soát của ngân hàng, công ty tài chính đối với các TCTD khác" chứ không phải là "cấm"?
Ông Vũ Viết Ngoạn cũng cho hay rằng, cùng với việc tăng cường những chuẩn mực an toàn cho các định chế tài chính, nhiều nước trên thế giới đã ban hành nhiều tiêu chí để định dạng “các tập đoàn tài chính quy mô lớn có nguy cơ gây rủi ro hệ thống” và áp dụng các chuẩn mực an toàn và cơ chế giám sát riêng cho nhóm định chế này.
Ở Việt Nam, đã hình thành trong thực tế không ít các tập đoàn tài chính hoạt động đa năng với tính chất ngày càng phức tạp. Câu hỏi đặt ra là: liệu đã tới lúc chúng ta phải định dạng tập đoàn tài chính và có các quy chuẩn an toàn cho hoạt động của nhóm định chế này?
Nhìn chung, các khuôn khổ pháp lý của Việt Nam và công tác giám sát vẫn chưa phủ kín và đảm bảo được an toàn cho hệ thống tài chính để hệ thống này vận hành một cách lành mạnh. Theo nhìn nhận của ông Roberto Rocha, Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), trong một nền tài chính, tính lành mạnh và phát triển tài chính phải luôn song hành với nhau, 2 mặt của 1 đồng xu. Để phát triển tài chính phải có lành mạnh tài chính và ngược lại. Một hệ thống tài chính không thể đứng trên một nền tảng bất ổn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có một thực tế là mức độ về tính công khai, kỷ luật thị trường chưa đủ để đảm bảo mang lại những thông tin đầy đủ. Do đó, theo ông Roberto, cần phải có sự hiện diện của những tổ chức định hạng tín nhiệm để mang lại các thông tin trung thực và chính xác, từ đó cung cấp những báo cáo tốt hơn cho tất cả người chơi, người tham gia nền kinh tế.
Việc thiếu những chương trình kiểm toán đặc biệt chính là một phần khiến sở hữu chéo tồn tại. Chuyên gia WB cũng khuyến nghị, nhất thiết phải áp dụng kiểm toán tài chính đặc biệt đối với tất cả các ngân hàng lớn, bao gồm danh mục đầu tư, đánh giá sự lành mạnh của khách hàng vay, đo lường chính xác nợ xấu và đo lường chính xác sở hữu chéo. Thậm chí, nếu cần, phải đóng cửa có trật tự một số ngân hàng yếu kém, qua đó, mang lại một cơ hội tham gia nữa của các nhà đầu tư tư nhân có uy tín và cũng là cơ hội để làm sạch vấn đề sở hữu chéo.
Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 diễn ra sáng 18/12 đã quán triệt tinh thần, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn khắc phục sở hữu chéo.
Theo đó, sở hữu chéo là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống ngân hàng bị lũng đoạn, chao đảo thời gian qua, phải có cách giải quyết mạnh bằng các văn bản pháp quy, ngăn chặn việc rút vốn của cổ đông lớn bằng luật pháp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ, "Tôi biết là khó khăn vì thực tiễn phong phú lắm, bởi muốn ban hành một văn bản nào đó thì phải xem tác động của chính sách, nhưng nếu không quyết liệt hoàn thiện thể chế thì sẽ quản lý không tốt, khó khắc phục các tồn tại yếu kém".
Nếu không quyết liệt và không có được những hành động kịp thời, có lẽ, nền kinh tế sắp tới sẽ không chỉ chứng kiến 1 bầu Kiên.
Bích Diệp