Xét xử “bầu” Kiên:

Đề nghị mức án 30 năm tù đối với "bầu" Kiên

(Dân trí) - Sáng nay (27/5), phiên toà xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm đã kết thúc. Sau khi nêu các tội danh, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tổng mức án cho Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

11h15: Phiên toà xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm sáng ngày 27/5 kết thúc.
 
Clip Đại diện viện kiểm sát kết luận vụ án "bầu" Kiên và các đồng phạm.
 
11h: Sau khi nêu các tội danh, đại diện viện kiểm sát nêu rõ, đề nghị cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên một thời gian dài với những mức án cao với những gì bị cáo gây ra. Cụ thể, đề nghị mức án 18-24 tháng tù tội kinh doanh trái phép, phạt 25-30 triệu đồng tịch thu toàn bộ tiền kinh doanh trái phép. 4-5 tù tội trốn thuế, truy thu hơn 24 tỉ đồng, phạt 2-3 lần số tiền trốn thuế. Đề nghị toà án áp dụng 16-18 năm tù về tội lừa đảo. 14-15 tù về tội cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ về tài chính, ngân hàng. Tổng hình phạt chung cho 4 tội danh của ông Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Trung Quốc điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra đảo Hải Nam

* Mã nhỏ bứt phá, khối ngoại hoạt động tích cực

* Quy định tuổi vàng, hàng trăm DN có nguy cơ đóng cửa

* Hoàn thiện nhanh đề án thành lập công ty quản lý đường sắt đô thị

 

Đối với bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải yến có thể giảm tội danh nhưng cũng cần cách lý khỏi xã hội một thời gian dài. Cụ thể, Trần Ngọc Thanh phạt 9 đến 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Hải Yến phạt 7 đến 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Đối với bị cáo Lý Xuân Hải, xét thấy nhân thân tốt, xem xét giảm nhẹ mức án. Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho Lý Xuân Hải là 12-14 năm cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý tín dụng 3-5 năm.

 

Đối với Lê Vũ Kỳ, có nhiều năm quản lý hoạt động kinh doanh của ACB, đồng ý ký biên bản họp HĐQT, ký thông báo cho nhân viên uỷ thác gửi tiền, chủ trương cấp tín dụng cho ACB mua cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 1000 tỉ đồng. Xét về nhân thân, bản thân chưa có tiền án tiền sự, quá trình xét xử nhận ra sai lầm, xem xét giảm nhẹ. Đề nghị Lê Vũ Kỳ là 7 đến 8 năm tù về tội cố ý làm trái

 

Đối với Trịnh Kim Quang, vì lợi ích nhóm đã đồng ý chủ trương uỷ thác gửi tiền và cấp tín dụng để mua cổ phiếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, đề nghị cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Trịnh Kim Quang mức phạt 6 đến 7 năm tù cố ý làm trái

 

Đối với bị cáo Phạm Trung Cang, có thể xem xét giảm mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Đề nghị Phạm trung Cang mức phạt là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo

 

Đối với Huỳnh Quang Tuấn, mặc dù không ký vào biên bản họp HĐQT nhưng ông Tuấn không ngăn cản việc uỷ thác nên là việc đồng phạm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, xét thấy hành vi, giảm nhẹ mức thấp nhất, không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Viện Kiểm sát đề nghị mức phạt đối với Huỳnh Quang Tuấn là 3 năm tù cho hưởng án treo.

 

Đối với ông Trần Xuân Giá đã tách vụ án nên không đề nghị.
 
Clip "bầu" Kiên mỉm cười trong phút đọc kết luận vụ án.
 
10h50: Viện Kiểm sát tiếp tục kết luận thêm 2 tội danh khác.

 

Theo kết luận vụ án do Đại diện viện kiểm sát (VKS) nêu rõ, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Ngọc Thanh, Trần Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên đã có chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

 

Số cổ phần, cổ phiếu này đang bị phong tỏa nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện chuyển nhượng để thu về số tiền 264 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được  cơ quan điều tra thu hồi và trả lại cho Tập đoàn Hòa Phát.

 

Tại tòa và tại cơ quan điều tra, Kiên không nhận tội và cho rằng, việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần là hợp với quy định pháp luật.

 

Căn cứ vào tài liệu điều tra và tại phần xét hỏi tại tòa, VKS khẳng định, Thanh và Yến chỉ làm theo chỉ đạo của Kiên, không được hưởng lợi. Tuy nhiên, Thanh và Yến biết cổ phần, cổ phiếu bị phong tỏa nhưng vẫn thực hiện hành vi. “Bị cáo Thanh và Yến bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức”.

 

Theo VKS, hành vi của các bị cáo đủ truy tố theo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Đối với hành vi cố ý làm trái, thông qua cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010, các bị cáo đã có hành vi ủy thác tiền gửi số tiền 718 tỷ đồng.

 

Việc các bị cáo thực hiện thông qua Nghị quyết ủy thác trái với quy định của NNHH về ủy thác tiền gửi và trái với luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực ngày 1/1/2011 và các văn bản liên quan.

 

Đối với số tiền 718 tỷ đồng, sau khi đưa ra những lập luận về sự việc, VKS cho rằng, ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Số tiền này bị thất thoát là do các bị cáo đã cố ý làm trái…
 
Viện Kiểm sát đề nghị mức án 30 năm tù đối với bầu Kiên.
Viện Kiểm sát đề nghị mức án 30 năm tù đối với bầu Kiên.
 

10h10: Toà làm việc lại, trước khi chuyển sang phần tranh luận, Đại diện viện kiểm sát đọc kết luận vụ án.

 

Đại diện cho biết: “Trong những năm vừa qua, nhà nước ban hành luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tự giác, năng động sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã trốn thuế, lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho nhà nước. Việc đưa Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm ra xét xử thể hiện sự quyết tâm loại trừ hiện tượng này ra khỏi xã hội”.

 

Đại diện viện kiểm sát tóm tắt hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên:

 

Đối với hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên tại công ty B&B, trong giấy phép, công ty này không được mua cổ phần, cổ phiếu và góp vốn nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo mua cổ phần, cổ phiếu và góp vốn vào Công ty khác.

 

Hành vi kinh doanh trái phép qua Công ty AFG, dùng 4.068 tỉ đồng mua trái phiếu của ACB và góp vốn vào ACI, ACI Hà Nội và ACB.

 

Hành vi trái phép của ACBI được thể hiện bằng việc, dùng hơn 1,4 tỉ góp vốn và mua cổ phiếu của Techcombank và Eximbank

 

Qua Công ty ACI, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty này sử dụng hơn 451 tỉ để mua hàng loạt cổ phiếu của công ty khác

 

Qua Công ty ACI Hà Nội, “bầu” Kiên đã chỉ đạo hơn 1411 tỉ đồng để mua một số cổ phiếu của ngân hàng.

 

Đại diện viện kiểm sát xác định, các hành vi trên nhằm mục đích siêu lợi nhuận, căn cứ vào luật đầu tư và luật doanh nghiệp. 5 công ty của “bầu” Kiên không kê khai ngành nghề kinh doanh mua cổ phiếu, cổ phần, góp vốn. Do đó, hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội kinh doanh trái phép.

 

Mặt khác, hành vi kinh doanh của Nguyễn Đức Kiên qua Công ty Thiên Nam được xác định, Công ty này không được phép kinh doanh vàng. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty này ký với Công ty ACB để kinh doanh trạng thái vàng với tổng giá trị hơn 11.000 tỉ đồng.

 
9h50: Toà tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, toà nghỉ giải lao chuẩn bị chuyển sang phần tranh luận.

 

9h27: Toà tuyên bố kết thúc phần xét hỏi của các luật sư.

 

HĐXX hỏi đại diện NHNN rằng, trong việc uỷ thác gửi tiền, ACB dựa vào văn bản nào, đại diện NHNN cho biết: “Thời điểm ACB uỷ thác thì không có bất kỳ văn bản nào về việc uỷ thác”.

 

HĐXX tiếp tục hỏi về hoạt động của Công ty B&B. Đại diện Công ty B&B cho biết, công ty B&B nằm trên địa bàn phường Văn Chương do chi cục thuế Đống Đa quản lý, hàng năm có kiểm tra hoạt động kinh doanh của B&B. Năm 2009 và 2010, hoạt động kinh doanh của công ty đều có lãi.

 

HĐXX mời cục thuế Hà Nội lên trả lời về việc thanh tra thuế năm 2009 và 2010 đối với doanh nghiệp B&B.

 

Phía cục thuế Hà Nội cho biết, đã có thanh tra toàn bộ hoạt động kinh doanh. Qua kết quả thanh tra cho thấy, năm 2009 và 2010 đều có lãi.

 

Trong những khoản B&B không khai báo, thanh tra và cục thuế có phát hiện được không?

 

Thanh tra thuế dựa hoàn toàn trên số liệu, nếu hồ sơ doanh nghiệp không cung cấp thì không thể phát hiện được.
 

Theo Tổng cục thuế, trong hai năm 2009-2010, có đoàn thanh tra toàn diện đối với Công ty B&B. Thời điểm đó người ký biên bản thanh tra thuế là Nguyễn Đức Kiên.

 

Nội dung thanh tra về việc chấp hành pháp luật thuế. Trong năm 2009-2010, khẳng định doanh nghiệp B&B đều làm ăn có lãi. Nguyên tắc là phải nộp thuế doanh nghiệp.

 

Về nguyên tắc, đoàn thanh tra dựa trên hồ sơ khai thuế của các đơn vị. Nếu có một khoản không khai thuế thì thanh tra không thể phát hiện được.

 

Như vậy, khoản thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa B&B, em gái bầu Kiên và Ngân hàng ACB được cơ quan điều tra phát hiện, Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính nói.

 
9h20: Luật sư hỏi ông Nguyễn Đức Kiên, dùng nguồn tiền nào để cho ACBS vay. Ông Kiên nói rằng: "Tôi không liên hệ với Vietbank, Kienlongbank nên không biết dùng nguồn tiền nào. Trong các hồ sơ tôi đã nói rõ không nhận được ý kiến nào từ công ty kiểm toán".

 

Sau khi “bầu” Kiên nói xong,  luật sư hỏi “bầu” Long rằng ý kiến cá nhân của ông về tội lừa đảo của ông Kiên?

 

“Bầu” Long không trả lời và HĐXX yêu cầu luật sư khác tham gia xét hỏi.

 
9h12: Luật sư hỏi bà Đặng Thị Ngọc Lan - Tổng Giám đốc ACBI: ACBI có phát sinh thuế không ?

 

Bà Lan trả lời: ACBI không phát sinh thuế.

 

ACBI có vi phạm thuế mà cơ quan Thuế cảnh báo không?

 

Nếu có kết luận, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp để khắc phục.

 

9h: Luật sư tiếp tục hỏi “bầu” Kiên về hợp đồng uỷ thác giữa ACB và ACBI. Ông Kiên trả lời rằng, ý kiến của Tổng cục Thuế không phù hợp với chức năng của Thuế. Thanh tra viên Tổng cục Thuế khi giám định không tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Thuế Đống Đa chưa bao giờ có ý kiến về việc ACBI. Căn cứ các quy định, ACBI đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về khai thuế.

 
8h57: Luật sư chuyển sang hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên cụ thể về nội dung cuộc họp của HĐQT liên quan đến việc uỷ thác gửi tiền mà ông Kiên đã từng nói như thế nào?

 

Trả lời luật sư, bầu Kiên cho rằng: Nội dung cuộc họp này có nội dung quan trọng liên quan đến việc uỷ thác cho nhân viên đi gửi tiền và trách nhiệm của các ngân hàng về việc lãi suất trần.

 

HĐXX yêu cầu luật sư ngừng hỏi và ông Kiên ngừng trả lời vì trùng lặp với câu hỏi trong những ngày trước đó.
 
8h40: Luật sư hỏi giám định viên nhưng giám định viên bận việc nên đến muộn, Luật sư chuyển sang hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc mua trái phiếu thuộc hình thức cấp tính dụng có thuộc trong nội dung của luật tổ chức tín dụng cả mới và cũ không.

 

Đại diện NHNN cho biết: Giữa cũ và mới thay đổi nhiều, về trái phiếu doanh nghiệp chưa rõ ràng lắm để khẳng định có cấp tín dụng không. “Tôi chỉ nói theo đúng luật tín dụng là cho vay, bảo lãnh, một số hình thức khác theo quy định của pháp luật”, đại diện NHNN nói.

 

Phía ngân hàng nhà nước đã bao giờ hướng dẫn về hình thức cấp tín dụng khác chưa?

 

Đến giờ có một số văn bản về cho vay, bảo lãnh còn về các hình thức khác, trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới được điều chỉnh. Trong luật tín dụng 2010, quy định tất cả tổ chức tín dụng phải thực hiện nội dung theo hướng dẫn. Nên việc mua trái phiếu doanh nghiệp phải được ghi trong giấy phép thì mới được làm.
 

Luật sư hỏi đại diện NHNN đã có kết luận về hành vi gửi tiền sai bao giờ chưa đối với ACB chưa ?

 

Năm 2012 đã có cuộc thanh tra ở ACB và phát hiện sai phạm nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên. Trong đề án của ACB cũng cho phép ngân hàng này làm ra để bù lỗ, theo luật chúng tôi có thể công khai. Nhưng theo luật mới cần thận trọng.

 

Đề nghị NHNN cung cấp tài liệu cho HĐXX về việc sai phạm?

 

Theo quy định của luật thanh tra, khi phát hiện sai phạm sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra, trong trường hợp này vụ án đã được khởi tố nên không cần phải chuyển.

 

8h35: Luật sư Uyên kết thúc chuyển sang hỏi bị can Phạm Trung Cang.

 

Ông có hành vi nào liên quan đến việc mua trái phiếu, cổ phiếu không ?

 

Tôi cùng các thành viên HĐQT  ký chủ trương đầu tư hạn mức mua cổ phiếu, đây là chỉ đạo bình thường.

 

Ông cho biết, sau ngày 1/1/2011 còn tham gia và quyết định các vấn đề của HĐQT hay không? Việc ông biết uỷ thác gửi tiền 22/3/2010, sai mà không ngăn cản có là hành vi sai trái không ?

 

Sau ngày 31/12/2010 tôi từ chức ACB sang Eximbank làm việc, từ đó tôi không tiếp nhận thông tin nào về hoạt động uỷ thác. Sự cố mất tiền ở vụ án Huyền Như mãi sau này tôi mới biết. Tôi cũng không biết HĐQT còn chủ trương gửi tiền hay không.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trả lời trước tòa (Ảnh: Lê Tú)
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trả lời trước tòa (Ảnh: Lê Tú)
 
8h25: HĐXX bắt đầu làm việc, chánh án toà án yêu cầu mở khoá còng cho các bị can. Mặc dù dự kiến chuyển sang phần nghị án nhưng trong sáng nay, toà án tiếp tục quay lại phần xét hỏi vì nhiều luật sư vẫn muốn làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề.

Để đảm bảo dân chủ và công khai, toà án tiếp tục cho các luật sư hỏi, toà án yêu cầu luật sư hỏi ngắn gọn và tránh trùng lặp câu hỏi để. Mở đầu, HĐXX mời luật sư Kiều Thị Thu Uyên hỏi đầu tiên, luật sư Uyên xin hỏi bị cáo Huỳnh Quang Tuấn về việc gửi tiền của ACB.

Ông Tuấn nói rằng: “Vào thời điểm tôi được hỏi về việc gửi tiền, tôi đã biết được một số thông tin và một số đánh giá về uỷ thác gửi tiền sau cuộc họp của HĐQT với thanh tra giám sát ngân hàng. Tôi có nói rằng hoạt động gửi tiền này là sai”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Nhiều doanh nghiệp rao bán cổ phiếu giá gấp 10 lần mệnh giá

* Giá vàng dưới 1.300 USD/oz do triển vọng sáng sủa của kinh tế Mỹ

* Giở chiêu “ma thuật” lách trần giá sữa
* Chủ động giảm nguồn cung nguyên liệu từ TQ

7h55: Công tác chuẩn bị cho phiên toà bắt đầu được tiến hành, các bị can được đưa vào phòng xét xử. Trong ngày xét xử thứ 6, tòa tiến hành thẩm vấn về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, ủy thác gửi tiền của các bị cáo. Bầu Kiên tiếp tục kêu oan, chỉ ra các sai sót của Bộ Tài chính, đồng thời xin miễn tội cho 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. Đại diện ACB và ACBS khẳng định việc hợp tác đầu tư với ACI không gây thua lỗ như cáo trạng nêu.
 
Bầu Kiên liên tục kêu oan và xin miễn tội cho cấp dưới trong các ngày xét xử trước

"Bầu" Kiên liên tục kêu oan và xin miễn tội cho cấp dưới trong các ngày xét xử trước

VietBank khẳng định việc đầu tư trái phiếu ACBS và ACI là hợp pháp. Hiện trái phiếu ACBS đã tất toán còn trái phiếu ACI cho gia hạn vì kinh doanh tốt. ACB kiên quyết đòi Vietinbank chịu trách nhiệm với 718 tỷ đồng tiền gửi và phải làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.

Kết thúc ngày thứ 6, HĐXX đã kết thúc phần xét hỏi, cuối phiên toà ngày 26/5, ông Nguyễn Đức Kiên cố gắng giơ tay xin nói trước toà nhưng không được HĐXX chấp thuận. Theo cáo trạng của VKSND, Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) sẽ bị truy tố về 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo và cán bộ ACB) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.

Các bị cáo tại phiên tòa:

1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).

2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.

*Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin của ngày xét xử thứ 7 vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm.

Lê Tú

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Dòng sự kiện: Xét xử Bầu Kiên