1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Triều Tiên sẽ từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá

Triều Tiên gần như đã quyết định từ bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch hoá và phân phối bởi nhà nước. Theo nguồn tin từ hãng tin Yonhap, dưới chế độ mới của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Triều Tiên mới đây đã công bố những chính sách quản lý kinh tế tự do hơn.

Nguồn tin từ tỉnh Ryanggang ở miền bắc Triều Tiên cho biết, “Nhiều cuộc họp đã được tổ chức kể từ ngày 6/8 cho các nhóm người lao động, công đoàn, chi bộ và tại các nhà máy để giới thiệu về một hệ thống quản lý kinh tế mới. Trong thời gian diễn ra thuyết trình, nhiều chi tiết về hệ thống quản lý kinh tế mới đã được công bố”. 

 

Chính phủ cũng đã gửi các giảng viên đi đến khắp các tổ chức công đoàn trên cả nước để giới thiệu về chính sách mới này.

 

Với tên gọi nội bộ là “Hệ thống quản lý kinh tế mới ngày 28/6”, các chính sách mới này tập trung vào việc chấm dứt việc kiểm soát ngặt nghèo trước kia của nước này đối với hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm, tiến tới cho phép mỗi đơn vị sản xuất sẽ tự điều phối hoạt động của mình. Đây là một bước thay đổi lớn so với chính sách quản lý chặt chẽ về kinh tế trước kia ở Triều Tiên.

 

Theo nguồn tin, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un đã bí mật chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch mới này vào ngày 28/6 và sau đó các quan chức cấp cao đã được thông báo về sự thay đổi này từ đầu tháng 7.

 

“Các nhà máy và các công ty được sản xuất độc lập và tự định giá bán cũng như cách bán hàng mà không cần phụ thuộc vào kế hoạch của nhà nước. Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế kế hoạch hoá đã gần như chấm dứt”.

 

Tuy nhiên, các cá nhân vẫn chưa được phép lập công ty tư nhân và nhà nước sẽ vẫn nắm quyền bổ nhiệm hay sa thải các vị trí quản lý của công ty và nhà máy.

 

Một thay đổi nữa là nhà nước sẽ thu lại 70% sản phẩm nông nghiệp và để lại 30% cho người nông dân. Từ trước tới nay, nhà nước vẫn quản lý và phân phối toàn bộ sản phẩm nông nghiệp.

 

Kế hoạch mới này không có thời gian thi hành cụ thể, mặc dù được cho biết là “kể từ bây giờ”. Điều này có thể là do nỗi lo ngại lạm phát và một số tác động tiêu cực có thể xảy ra.

 

Được biết, Triều Tiên tiến hành những cải cách này như một kế hoạch riêng của nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ không phải do tác động từ bên ngoài.

 

Nhận xét về thông tin này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết "Triều Tiên có thể đang bắt đầu thực hiện thử nghiệm việc cải cách kinh tế ở một số vùng của đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có thể những biện pháp này chưa được áp dụng trên toàn quốc".

 

 

Theo Hoàng Yến

VnMedia/Yonhap