1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh tế Triều Tiên bất ngờ khởi sắc

(Dân trí) - Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đã chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng trong năm 2011 sau 6 năm liên chỉ có suy giảm. Giới quan sát dự báo, nền kinh tế này sẽ còn khởi sắc dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.

Hãng tin tài chính

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 9/7 tại Seoul cho biết, trong năm 2011, GDP của Triều Tiên tăng trưởng 0,8%, sau khi giảm 0,5% trong năm 2010. Kinh tế Triều Tiên chuyển từ suy giảm sang tăng trưởng chủ yếu là nhờ sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cũng theo số liệu của BoK, kinh tế Triều Tiên đã liên tục suy giảm trong thời gian từ năm 2006-2011.

“Sản xuất công nghiệp của Triều Tiên đi xuống trong năm 2011, nhưng ngành nông nghiệp đã phục hồi  nhờ thời tiết thuận lợi và việc sử dụng phân bón nhiều hơn”, BoK cho hay.

Kể từ khi lên lãnh đạo đất nước vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thực hiện chính sách đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Nga. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, chủ trương này sẽ giúp kinh tế Triều Tiên tốt lên trong thời gian tới.

“Xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên sang Trung Quốc và nguồn ngoại tệ mà công nhân Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc và Nga gửi về nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Triều Tiên. Triều Tiên được dự báo sẽ mạnh lên về kinh tế dưới thời Kim Jong Un vì nước này tiếp tục tăng cường giao dịch với các nước đối tác”, ông Koh Yu Hwan, một giáo sư chuyên nghiên cứu các vấn đề về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, nhận định.

Triều Tiên không công bố các thống kê kinh tế chính thức. Hàng năm, phía Hàn Quốc vẫn đưa ra các con số ước tính về kinh tế Triều Tiên dựa trên thông tin từ Cơ quan Tình báo Quốc gia và các tổ chức có liên quan.

Sự khởi sắc của kinh tế Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh nước này tiếp tục đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Tháng 2 năm nay, Mỹ đã hủy thỏa thuận hỗ trợ 240.000 tấn gạo cho Triều Tiên để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và thử tên lửa. Bên cạnh đó, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cũng mở rộng các lệnh trừng phạt đã có đối với Triều Tiên.

Ngoài việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước đối tác, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thực hiện một số cải cách và điều chỉnh nhằm cải thiện đời sống cho người dân. Theo thông tin hồi đầu tháng 6 từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim Jong Un đã mở một chiến dịch toàn quốc về cải thiện lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng suất mùa màng.

Theo các số liệu mà BoK đưa ra, trong năm 2011, các ngành sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp của Triều Tiên tăng trưởng 5,3%, trong khi sản xuất công nghiệp giảm 3%. GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2011 đạt mức 32 nghìn tỷ Won, tương đương 28 tỷ USD, so với mức 1.237 nghìn tỷ Won của Hàn Quốc. GDP bình quân đầu người của Triều Tiên là 1,33 triệu Won, so với mức 25 triệu Won của Hàn Quốc.

Nếu tính cả yếu tố lạm phát thì tới cuối năm 2011, GDP của Triều Tiên vẫn nhỏ hơn so với cuối năm 2008, BoK cho biết.

Trong một báo cáo được công bố hồi giữa tháng 6, điều phối viên của Liên hiệp quốc tại Bình Nhưỡng Jerome Sauvage cho biết, khoảng 16 triệu trong tổng số hơn 24 triệu người dân Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực triền miên, chưa kể tới tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và những vấn đề kinh tế sâu sắc khác. Ước tính, lượng ngũ cốc thiếu hụt so với nhu cầu của người dân Triều Tiên trong năm 2011 lên tới 739.000 tấn.

Theo BoK, trong năm 2011, dân số của Triều Tiên đã tăng lên mức 24,3 triệu người từ mức 24,2 triệu người trong năm 2010, bằng khoảng một nửa dân số của Triều Tiên.

Thương mại giữa hai miền Triều Tiên đã giảm 10,4% trong năm 2011 so với năm 2010, còn 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Triều Tiên, không tính xuất khẩu sang Hàn Quốc, đã tăng 84,2%, lên mức 2,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu khoáng sản, kim loại cơ bản và hàng dệt may. Nhập khẩu cũng tăng mạnh, với mức tăng 32,6%, đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD.

Tổng kim ngạch ngoại thương của Hàn Quốc đã tăng 51% trong năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn ngoại tệ cho những sự kiện lớn như đại lễ kỷ niệm sinh nhật của nhà lãnh đạo quá cố Kim Nhật Thành. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Nông nghiệp và ngư nghiệp hiện chiếm 23% nền kinh tế Triều Tiên, so với mức 2,7% của Hàn Quốc. Công nghiệp chiếm 22% nền kinh tế Triều Tiên, so với mức 31% ở Hàn Quốc.

Phương Anh
Theo Bloomberg