Kinh tế Triều Tiên sẽ cất cánh nhờ nguồn khoáng sản 6000 tỷ USD?

(Dân trí) - Với nguồn khoáng sản được ước tính trị giá tới 6000 tỷ USD, trong đó có khối lượng lớn đất hiếm, than, quặng sắt, vàng…kinh tế Triều Tiên có thể sẽ cất cánh trong tương lai một khi nguồn lực này được khai thác.

Đây là nhận định của tiến sỹ Leonid Petrov, giảng viên khoa Triều Tiên, đại học Sydney, Úc trong bài viết được đăng tải trên tờ Thời báo châu Á với tiêu đề “Đất hiếm đảm bảo cho tương lai của Triều Tiên”, vị tiến sỹ cho rằng sở dĩ Triều Tiên có thể vượt qua hàng loạt khó khăn và thậm chí có những bước phát triển kinh tế chính là nhờ nguồn đất hiếm.    

Những khu cao ốc mọc lên ngày một nhiều ở Bình Nhưỡng(Ảnh: internet
Những khu cao ốc mọc lên ngày một nhiều ở Bình Nhưỡng(Ảnh: internet)

“Những ai có dịp tới Triều Tiên thường xuyên có thể nhận thấy rằng trong một vài năm trở lại tình hình kinh tế tại đây đã có những cải cách đáng kể. Những tòa cao ốc mới xây, ôtô hiện tại trên phố cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp khiến không ít khách tham quan phải ngạc nhiên. Điều đó khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: Bình Nhưỡng lấy tiền ở đâu?”, bài báo viết.

Cũng trong thời gian này Triều Tiên còn gặp vô vàn khó khăn như: khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhà lãnh đạo Kim Il-Sung qua đời, bị thiên tai, bệnh tật đe dọa, nạn đói hoành hành, bị Mỹ và châu Âu cấm vận, bị Hàn Quốc cắt viện trợ tài chính từ năm 2008…thế nhưng Triều Tiên vẫn có tiền để theo đuổi những chương trình tên lửa và hạt nhân đầy tham vọng. 

Và vị tiến sỹ của đại học Sydney khẳng định tất cả đều là nhờ nguồn khoáng sản phong phú của nước này. “Trên thực tế Triều Tiên đang ngồi trên mỏ vàng. Phía Bắc của bán đảo Triều Tiên nổi tiếng với những dãy núi đá, chiếm 85% lãnh thổ Triều Tiên. Nơi đây có khoảng 200 loại khoáng sản khác nhau, trong đó nhiều nhất và có tiềm năng khai thác quy mô lớn phải kể đến than, quặng sắt, ma-giê, vàng, thiếc, đồng”. 

Sau Trung Quốc, Triều Tiên chính là nước có trữ lượng magiêzit lớn thứ 2 thế giới trong khi trữ lượng vonfram cũng vào hàng thứ 6 thế giới. Dù vậy giá trị của tất cả các tài nguyên này vẫn chưa là gì so với khả năng khai thác và xuất khẩu đất hiếm, một loại khoáng sản thiết yếu để sản xuất các thiết bị từ màn hình TV, điện thoại, laptop…đến xe tăng, máy bay, tên lửa. 

“Hàn Quốc từng ước tính tổng trữ lượng khoáng sản của Triều Tiền có trị giá hơn 6.000 tỷ USD. Vậy nên không có gì ngạc nhiên là bất chấp những căng thẳng về chính trị và an ninh, Seoul vẫn cho thấy mong muốn cùng Bình Nhưỡng khai thác đất hiếm”, ông Leonid Petrov khẳng định. 

Năm 2011, với sự cho phép của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, các quan chức của công ty Khoáng sản Hàn Quốc đã tới Triều Tiên 2 lần để khảo sát một mỏ grafit. Cùng với Liên đoàn hợp tác kinh tế quốc gia của Triều Tiên, họ đã bàn thảo tại khu công nghiệp Kaesong về việc cùng khai thác đất hiếm ở phía Bắc. 

Phân tích các mẫu vật từ Triều Tiên cho thấy loại đất hiếm tại đây có thể hữu ích trong việc sản xuất màn hình LCD và các thấu kính quang học. Bản báo cáo chung cũng chỉ ra rằng có một lượng lớn đất hiếm hàm lượng cao ở phía Tây và Đông Triều Tiên, và công việc khai thác có thể đã bắt đầu. 

Và trước thực tế rằng từ tháng 2 vừa qua giá đất hiếm đã vượt 1 triệu USD/tấn, tăng 900% so với 1 năm trước do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, ông Petrov nhận định Triều Tiên có thể tranh thủ cơ hội này để tăng cường khai thác và trở lên giàu mạnh nhờ bán khoáng sản. Thực tế là từ năm 2009, xuất khẩu đất hiếm từ nước này sang Trung Quốc đã đạt 16 triệu USD. “Việc giá đất hiếm lên cao trong lúc nhu cầu tăng mạnh giúp nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un có cơ hội tốt để phát triển kinh tế Triều Tiên mà không cần phải thực sự tiến hành những cải cách”, tác giả bài viết khẳng định. 

Thanh Tùng

Lược dịch theo Asia Times