Tiêu điểm kinh tế tuần qua:

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu”

(Dân trí) - Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng, các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành là tâm điểm thông tin trong tuần vừa qua. Hàng loạt vấn đề như tính lại GDP, các dự án metro, hoạt động cung cấp điện… đều đã được đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý nghiêm trách nhiệm vụ nhập khẩu hàng hóa vi phạm chủ quyền quốc gia!

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tại phiên làm việc ngày 7/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu “xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu hàng hoá có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia ”. Vụ xe Volkswagen gắn bản đồ “đường lưỡi bò” Trung Quốc mới đây là một điển hình.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hoá xuất xứ Việt Nam và có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3. Chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu: “Ngành công thương phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ phòng, chống các biểu hiện tiêu cực tham nhũng tiếp tay cho buôn lậu, xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hoá có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia”.

Ở nước ngoài mua que tăm cũng có hóa đơn, Việt Nam vạn nhà lầu thu được bao nhiêu thuế?

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội chiều 8/11 (ảnh: VGP)

Bất cập nói trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra chiều 8/11, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc về việc tính toán lại GDP . Theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam bỏ sót rất lớn về quy mô dẫn tới thất thu về thuế.

Thủ tướng khẳng định, quy mô GDP hiện tại của Việt Nam chưa tính kinh tế ngầm, chưa tính kinh tế chính thức mà mới chỉ tính kinh tế bỏ sót, trước hết là 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính, chưa tính kinh tế hộ, kinh tế cá thể...

“Nền kinh tế của Việt Nam còn bỏ sót rất lớn về quy mô. Ở các nước mua một cái ốc vít, một que tăm đều có hóa đơn, chứng từ, trong khi đó chúng ta mua cả cái xe máy, ti vi, mua mọi thứ đều không có chứng từ. Chúng ta bỏ sót rất nhiều trong tính toán dẫn tới thất thu về thuế rất lớn.” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề: Mỗi năm chúng ta mua hàng triệu cái ô tô, hàng vạn nhà lầu nhưng thuế thu được bao nhiêu? “Việc tính toán lại GDP là điều rất cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường” - Thủ tướng khẳng định.

Dự án metro TPHCM đội vốn “khủng”, tiến độ “lụt” thêm gần 10 năm

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 3

Dự án metro số 2 TPHCM bị "lụt" tiến độ, đội vốn "khủng"

Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của TP.HCM, tuyến metro số 2 có đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình này bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 khu depot…

Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 10/2010, hiện nay đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng), từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng của Chính phủ. Đến năm 2018, tổng mức đầu tư Chính phủ trình Quốc hội tăng lên thành 2.134 triệu USD (tương đương hơn 47.891 tỷ đồng).

Về tiến độ thi công, kế hoạch ban đầu Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018 nhưng “bất thành”. Dự án sau đó được điều chỉnh sang năm 2020 và nay thêm một lần nữa “lỡ hẹn” khi mốc thời gian hoàn thành dự án tiếp tục được đẩy lùi tiếp tới năm 2026.

Nghiên cứu thanh tra đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 4

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được xem là công trình đội vốn, chậm tiến độ tiêu biểu của Hà Nội

Trả lời về chất vấn của cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu kiến nghị của cử tri trong quá trình xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2020, hoặc sẽ tiến hành thanh tra khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. 

Có ý kiến cử tri đề nghị làm rõ nguyên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm đối với các dự án kéo dài thời gian, đội vốn và sớm đưa tuyến đường sắt này vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008. Trong đó Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do Bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. 

"Quá trình triển khai thực hiện Dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan", Bộ Giao thông Vận tải đánh giá. Bộ này thừa nhận, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì Chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), Ban Quản lý dự án Đường sắt; Tư vấn thiết kế bước lập dự án; Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm trong phần việc của mình.

Vì sao Việt Nam gia tăng nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc?

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 5

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Việt Hưng)

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Vũ Thị Thuỷ (Đoàn Hải Dương), hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tránh phụ thuộc vào thị trường đến từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Trung Quốc

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương bày tỏ lo ngại việc mua điện của nước ngoài đi ngược với chủ trương nói trên và đồng nghĩa với việc đầu tư hạ tầng kết nối truyền tải gây tốn kém. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương nêu rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới. 

Ngày 7/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với tổng mức đầu tư từ 6 - 8 tỷ USD/năm cho hệ thống phát nguồn, phát điện cũng như hệ thống hạ tầng truyền tải, chúng ta đang gặp vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta hướng tới việc nhập khẩu điện.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta mua điện của Lào và của Trung Quốc đều ở mức giá điện thấp hơn mức giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam, tức là dưới 7 cent. Quy định mới của Chính phủ là các hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc thì đều ở dưới mức 6,9 cent so với mặt bằng là hơn 7 cent hiện nay, ở Việt Nam nhiệt điện than 7,3 cent.

Tránh tăng sốc giá điện gây bức xúc: Đề xuất 1 năm điều chỉnh giá 2 lần

Thủ tướng lo thất thu thuế do “bỏ sót triệu ô tô, vạn nhà lầu” - 6

Chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện ở mức cao khiến người dân phản ứng, nên xem xét việc điều chỉnh giá điện 1 năm 2 lần

Tại hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam " diễn ra ngày 5/11, các chuyên gia về điện lực đã đề xuất sửa đổi và chia giá điện thành 5 bậc thang.

Bên cạnh đó, GS.VS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng cần thiết phải thay đổi chu kỳ tính giá điện để sát hơn với những biến động của thị trường.

Việc tính toán, điều chỉnh giá ông Long phải cân nhắc thời gian phù hợp, tránh tâm lý bức xúc, ảnh hưởng đời sống của người dân. Việc thay đổi giá điện định kỳ hiện được nhiều nước áp dụng, như ở Thái Lan, giá điện được thay đổi theo chu kỳ 3 lần mỗi năm, 4 tháng/lần.

PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng: “Cần thiết luật hoá việc điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh giá điện mỗi năm tiến hành điều chỉnh 2 lần. Chẳng hạn 1/1 tăng 1 lần, đến 1/7 tăng 1 lần. Có thể tăng có thể giảm”. “Có tăng, có giảm, cứ để 2 năm 1 lần, rồi mỗi lần tăng tới 10% thì khác gì đâm một nhát dao”, ông Bình nhấn mạnh việc điều chỉnh “mềm” theo chu kỳ hơn việc tăng giá sốc.

Mai Chi (tổng hợp)