Dự án metro TPHCM đội vốn “khủng”, tiến độ “lụt” thêm gần 10 năm
(Dân trí) - Dự án tàu điện ngầm (metro) Bến Thành - Tham Lương (TPHCM) không thể hoàn thành đúng hạn năm 2018 và phải điều chỉnh sang năm 2020, nhưng nay một lần nữa “lỡ hẹn” khi phải lùi tới năm 2026. Vốn đầu tư Dự án đã tăng từ 26.116 tỷ đồng lên hơn 47.891 tỷ đồng.
Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của TP.HCM, tuyến metro số 2 có đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình này bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 khu depot…
Theo báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 10/2010, hiện nay đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng), từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng của Chính phủ. Đến năm 2018, tổng mức đầu tư Chính phủ trình Quốc hội tăng lên thành 2.134 triệu USD (tương đương hơn 47.891 tỷ đồng).
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư được Chính phủ xem xét trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các bộ ngành, các nhà tài trợ, tổ chuyên gia thẩm định, tham khảo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), kết quả thẩm tra độc lập của Liên danh MMS-UTC, kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án, ý kiến của Bộ Xây dựng về áp dụng định mức, đơn giá và về thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án.
Về tiến độ thi công, kế hoạch ban đầu Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018 nhưng “bất thành”. Dự án sau đó được điều chỉnh sang năm 2020 và nay thêm một lần nữa “lỡ hẹn” khi mốc thời gian hoàn thành dự án tiếp tục được đẩy lùi tiếp tới năm 2026.
Theo báo cáo của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế của dự án, do thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở; tính toán, cập nhật lại tổng mức đầu tư nên thời gian hoàn thành Dự án cũng phải điều chỉnh tương ứng.
“Dự kiến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026, trong đó, các công việc khảo sát, thiết kế nền tảng và tổ chức đấu thầu được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020. Từ 2021 - 2026 là khoảng thời gian dành cho thi công trước khi kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác vào cuối năm 2026.” - Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện TP.HCM đã cơ bản hoàn thành các thủ tục và bắt đầu triển khai việc chi trả bồi thường và tiếp nhận mặt bằng trên địa bàn 6 quận bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đến nay, khoảng 18% số hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường và khoảng 9% số hộ dân đã bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng cho dự án.
Về thiết kế và tổ chức đấu thầu các gói thầu chính, việc tuyển chọn các tư vấn chính để triển khai công tác quản lý dự án, thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở và lập hồ sơ mời thầu các gói thầu chính đã hoàn thành.
Trên cơ sở thiết kế cơ sở điều chỉnh, chủ đầu tư đã lập và thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy định. Gói thầu xây lắp đầu tiên là tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến tàu điện ngầm số 2 đã triển khai thi công và cơ bản hoàn thành.
Được biết, Chính phủ cho phép triển khai lựa chọn nhà thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu CP5 - Cơ điện hệ thống (thiết kế và sản xuất đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu…), gói thầu CP3a và CP3b - Thiết kế và thi công hầm và các nhà ga ngầm. Các gói thầu khác sẽ tiếp tục được phát hành hồ sơ mời thầu sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.
Châu Như Quỳnh