Vì sao Việt Nam gia tăng nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc?
(Dân trí) - Trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay (7/11) về việc Việt Nam tăng cường nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết mua điện vì quan hệ đặc biệt, giá điện nhập khẩu thấp hơn việc sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Vũ Thị Thuỷ (Đoàn Hải Dương), hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tránh phụ thuộc vào thị trường đến từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Trung Quốc.
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương bày tỏ lo ngại việc mua điện của nước ngoài đi ngược với chủ trương nói trên và đồng nghĩa với việc đầu tư hạ tầng kết nối truyền tải gây tốn kém. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương nêu rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (thường xuyên từ 6,5 - 7%/năm) thì tăng trưởng điện năng yêu cầu phải đạt khoảng từ 10,5 - 11,6%/năm, tùy vào kịch bản khác nhau của từng năm.
“Với tổng mức đầu tư từ 6 - 8 tỷ USD/năm cho hệ thống phát nguồn, phát điện cũng như hệ thống hạ tầng truyền tải, chúng ta đang gặp vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta hướng tới việc nhập khẩu điện.
Trên thực tế, hiện nay, quy mô nhập khẩu điện dự kiến đến năm 2025 với những đề án cụ thể cũng chỉ chiếm khoảng 3% nhu cầu điện năng của chúng ta và có một số nguyên tắc đảm bảo nhập khẩu điện.” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo người đứng đầu ngành công thương, Việt Nam nhập khẩu điện của Lào vì có quan hệ đặc biệt. Đây là chủ trương đặc biệt của Bộ Chính trị trong việc liên kết tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.
“Việt Nam phải có một quá trình, có một sự liên kết về điện năng với các quốc gia láng giềng, không chỉ dừng ở Lào và Trung Quốc. Sắp tới đây là trong khối ASEAN và các nước láng giềng khác. Kinh nghiệm cho thấy một quốc gia không thể hoàn toàn riêng lẻ trong hệ thống hạ tầng, phải tương tác phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và các khía cạnh.” - ông Tuấn Anh cho hay.
Đề cập tới hững yếu tố cơ bản khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về nguyên tắc lợi thế so sánh và những cạnh tranh trong giá điện. Ông cũng dẫn chứng về giá điện nhập khẩu, giá điện sản xuất trong nước và mặt bằng chung.
“Hiện nay, chúng ta mua điện của Lào và của Trung Quốc đều ở mức giá điện thấp hơn mức giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam, tức là dưới 7 cent. Quy định mới của Chính phủ là các hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc thì đều ở dưới mức 6,9 cent so với mặt bằng là hơn 7 cent hiện nay, ở Việt Nam nhiệt điện than 7,3 cent.” - Bộ trưởng Công Thương nêu rõ.
Ngoài ra, các dự án nhập khẩu điện phải thuận lợi và đáp ứng được yêu cầu về đấu nối, kết nối với hệ thống hạ tầng, không đòi hỏi phải đầu tư những nguồn lực lớn… Những điều này đã được cụ thể hóa trong các đề án báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ phê duyệt cụ thể cho từng kế hoạch mua bán điện với các quốc gia láng giềng, trong đó có Lào và Trung Quốc.
Cuối cùng, Bộ trưởng Công Thương cho rằng không có vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về chủ trương xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, không có vướng mắc về phát triển kinh tế trong câu chuyện về điện năng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hướng tới sự phát triển năng lượng bền vững, trên cơ sở đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.
Châu Như Quỳnh