Thịt lợn siêu thị 300 nghìn đồng/kg, mua online giá chưa tới một nửa
(Dân trí) - Tuần qua, giá thịt lợn lại một lần nữa tạo ra cơn sốt khi giá lợn hơi tăng mạnh. Nhiều người dân đã phải tìm các kênh mua hàng khác để giảm chi phí.
Giá thịt lợn bị "thổi" lên gần 300.000 đồng/kg
Trên thị trường, thịt vai, mông sấn có giá 180.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 180.000 - 200.000 nghìn đồng/kg, sụn non, sườn thăn bỏ cục 200.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị tiện ích, giá thịt lợn của các công ty kinh doanh theo kiểu "từ trang trại đến bàn ăn" không qua các cầu trung gian, nhưng giá lại đắt hơn chợ dân sinh từ 10.000-30.000 đồng/kg. Nguyên nhân được lý giải là bởi các loại phí quá đắt, nhiều loại lên tới 25%.
Cụ thể, giá sườn non của Vissan giá cao nhất 280.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 80.000 đồng/kg), thịt ba chỉ rút sườn 250.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 50.000 đồng/kg).
Tại siêu thị BigC, giá sườn non: 259.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 59.000 đồng/kg); thịt ba chỉ: 173.000 đồng/kg; móng giò: 139.000 đồng/kg (đắt hơn chợ 29.000 đồng/kg)…
Thịt lợn ế phải xả cho nhà hàng
Thời gian gần đây, nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân đã không còn mạnh như trước. Cộng với việc, giá thịt lợn tăng quá cao, khiến việc bán lẻ của các tiểu thương tại chợ giảm mạnh.
Theo một tiểu thương, hiện tại, gán lẻ cho khách 170 nghìn đồng/kg. Nhưng đến tối muộn ế hàng phải thanh lý cho các nhà hàng, quán cơm bình dân với giá chỉ 120 nghìn đồng/kg.
Song, không những khách buôn lấy ít đi mà các nhà hàng cũng không còn mua nhiều như trước. Vì giá lợn tăng cao khiến đầu ra sản phẩm cũng bị đẩy lên theo, nếu giữ nguyên giá thì phải giảm khẩu phần thịt xuống.
Giá lợn hơi liên tục "phi mã"
Theo một người chuyên kinh doanh về lợn, hiện nay giá thịt lợn hơi tại Thái Bình và một số tỉnh lân cận dao động từ 96 - 98 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá mà phần đông các trại hoặc các hộ vẫn bán.
Song, cũng không ít trại chăn nuôi tại Thái Bình, Vĩnh Yên, Hà Giang đã bán tới mức 100 nghìn đồng/kg từ cách đây 1 tuần. Thậm chí, có cơ sở đã bán chạm mốc 103 nghìn đồng/kg. Nhưng đây không phải số đông mà chỉ một bộ phận người bán đẩy giá.
Cũng theo người này, hiện nay, do nhu cầu thu mua tăng mạnh nên lợn xuất chuồng hiện nay chỉ đạt 100 kg. Trong khi trước đây, lợn phải đạt 120 kg thì các hộ chăn nuôi mới bán.
Hiện nay tại Hà Nội, theo các tiểu thương kinh doanh thịt lợn thì giá lợn móc hàm đang rất cao, ở mức 132 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá cao nhưng theo các tiểu thương này, cũng không có lợn để nhập.
Bộ Nông nghiệp đồng ý nhập khẩu lợn sống
Mới đây, Bộ Nông nghiệp đã đồng ý phương án Cục Thú y phân tích về rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi về những vướng mắc, thu nhập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thoả thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành. Việc này sẽ do Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.
"Thịt siêu thị" đắt hàng chợ mạng
Thịt lợn siêu thị đang được rao bán trên chợ mạng với giá chỉ 130 nghìn đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với giá thực tế hiện tại. Tuy chưa rõ nguồn gốc, nhưng nhiều người đang đặt mua loại thịt này để thay thế thịt ngoài chợ hoặc các loại thịt đắt đỏ trong siêu thị.
Song, nếu người mua ngỏ ý muốn đặt hàng số lượng lớn thì người bán trên Facebook cho biết, mỗi loại chỉ cam kết có từ 10-20kg chứ không có nhiều, muốn mua phải đặt hàng trước ít nhất nửa ngày và cam kết đền tiền gấp 5 lần nếu chất lượng thịt không đảm bảo.
“Đây là thịt có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, đóng từng khay từ 0,2-0,3kg, khách nhà tôi mua về ăn, làm pate, thịt chưng mắm tép nhiều lắm. Riêng ba chỉ khách muốn mua phải đặt trước cả tuần vì phụ thuộc vào hàng tồn của siêu thị, không tồn không lấy được”, người bán cho biết.
Thế Hưng