1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM:

Taxi truyền thống không muốn có hợp đồng điện tử

(Dân trí) - Doanh nghiệp taxi truyền thống đề nghị không bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, quy định hợp đồng điện tử, đồng thời xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi. Việc bổ sung loại hình taxi điện tử nhưng chưa có phương án triển khai chi tiết sẽ gây náo loạn thị trường vận tải taxi.

Sau thời gian dài tranh cãi, cuối cùng Bộ GTVT cũng chốt được phương án dự thảo cuối cùng thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô) để trình Chính phủ xem xét và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, bộ ngành và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Dự thảo này được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề vướng mắc trong hoạt động vận tải ô tô hiện nay, nhất là những tranh cãi xung quanh việc định danh và cơ chế quản lý đối với loại hình “taxi công nghệ” Grab.

Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt taxi công nghệ vi phạm
Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt "taxi công nghệ" vi phạm

Theo công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), dù có một số thay đổi điều chỉnh nhưng những quy định về xe hợp đồng điện tử đang tạo ra sự hoang mang, lo lắng trong các doanh nghiệp và xã hội, nhất là trong bối cảnh Grab thâu tóm Uber ở Việt Nam, tập trung kinh tế, thống lĩnh thị trường và gần như độc quyền trong lĩnh vực này.

Vinasun cho rằng, cần phải bỏ quy định về vận tải hợp đồng điện tử, đồng thời cần xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi bởi hàng trăm triệu cuốc xe Grab không có hợp đồng vận tải điện tử nào được ký kết.

Cụ thể, theo Quyết định 24 về thí điểm “taxi công nghệ”, Grab chỉ là đơn vị trung gian kết nối đơn vị vận tải (Hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải) với người thuê vận tải. Đơn vị vận tải và người thuê vận tải ký kết hợp đồng với nhau.

Nhưng trên thực tế, Grab giao dịch trực tiếp với khách hàng, điều phối lái xe, ăn chia tiền cước nhận được với lái xe. Hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không tham gia vào quá trình giao kết hợp đồng, không nhận tiền cước của khách và không điều phối lái xe thực hiện quá trình vận tải.

Grab không xuất trình được hợp đồng vận tải điện tử phù hợp quy định pháp luật. Chủ thể chính của hợp đồng vận tải điện tử là hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không có trên phần mềm. Khách hàng không biết mình ký hợp đồng với ai? Ai chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận tải?

Do đó, việc quy định vận tải hợp đồng điện tử sẽ tạo ra những “hợp tác xã giấy”, gây thất thoát thuế lớn, đặc biệt là không xác định được người chịu trách nhiệm về an toàn chuyến đi.

Cụ thể, Grab là đơn vị trực tiếp giao dịch với khách hàng nhưng không nhận trách nhiệm về an toàn chuyến đi, đẩy trách nhiệm cho hợp tác xã vận tải. Trong khi đó, Hợp tác xã vận tải không có quản lý tài xế, không điều hành phần mềm làm sao có thể chịu trách nhiệm về an toàn cho hành khách. Ngoài ra, các tài xế Grab lao động không bảo hiểm, quá giờ luật lao động cho phép.

Năm 2017, taxi Vinasun treo băng rôn phản đối taxi công nghệ Grab, Uber
Năm 2017, taxi Vinasun treo băng rôn phản đối "taxi công nghệ" Grab, Uber

Theo Vinasun, hợp pháp hoá vận tải hợp đồng điện tử là tạo điều kiện cho Grab củng cố vị thế độc quyền, lũng đoạn thị trường, chèn ép tài xế, tiêu diệt các doanh nghiệp taxi, sau đó sẽ quay sang kiếm lợi của hành khách.

“Điểm mấu chốt là tại sao vận tải hợp đồng điện tử hoàn toàn không tồn tại, cũng không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới thì lại được nâng tầm thành một loại hình vận tải chủ chốt ở Việt Nam?”, Vinasun đặt vấn đề.

Cũng theo doanh nghiệp taxi truyền thống, việc bổ sung loại hình taxi điện tử nhưng chưa có phương án triển khai chi tiết sẽ gây náo loạn thị trường vận tải taxi.

Đơn vị này đặt ra một loạt câu hỏi: Việc cấp phép cho taxi điện tử như thế nào? Phù hiệu taxi điện tử cấp phép cho ai (hợp tác xã hay đơn vị cung cấp phần mềm)? Taxi điện tử gắn với một phần mềm cố định hay có thể chạy nhiều phần mềm khác nhau? Ai sẽ quản lý sự chính xác của phần mềm này khi các thuật toán tính cước dễ dàng điều chỉnh trên phần mềm và bản đồ số do bên thứ ba cung cấp?

Ngoài ra, vấn đề niêm yết, thay đổi giá cước rất đáng lưu tâm. Theo đó, giá cước của taxi điện tử có phải đăng ký hay không? Taxi điện tử có bị khống chế số lượng hay không? Các hợp tác xã vận tải “taxi công nghệ” có phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh taxi không?

Việc ứng dụng tính năng đặt xe qua ứng dụng di động, hay ký hợp đồng bằng email, dữ liệu điện tử chỉ là bổ sung tiện ích cho dịch vụ chứ không làm thay đổi bản chất dịch vụ, không làm thay đổi quan hệ giữa các bên giao dịch.

Doanh nghiệp taxi truyền thống này nhấn mạnh: “Không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử”.

Quốc Anh

Taxi truyền thống không muốn có hợp đồng điện tử - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm