Dự thảo quy định quản lý đối với Grab taxi tiếp tục bị phản đối

(Dân trí) - Dù đã có những chỉnh sửa bổ sung mới hơn so với trước song dự thảo Nghị định về vận tải đa phương thức vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ tiếp tục vấp phải sự phản đối từ doanh nghiệp.


Dự thảo Nghị định đa phương thức trong đó có những nội dung liên quan loại hình vận tải như Grab tiếp tục bị phản đối

Dự thảo Nghị định đa phương thức trong đó có những nội dung liên quan loại hình vận tải như Grab tiếp tục bị phản đối

Theo ý kiến lãnh đạo của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), dự thảo tuy có một số điều chỉnh nhưng những bất cập mà doanh nghiệp này từng kiến nghị vẫn chưa được tiếp thu, sửa đổi… Cụ thể ở đây là những quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe và hiệu lực thi hành.

Theo Vinasun, các điều khoản kể trên cần phải được chỉnh sửa lại mới mong giải quyết được những bất cập xảy ra thời gian qua.

Nếu như ở dự thảo lần trước, Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ GTVT đưa ra khái niệm “xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe” thì ở dự thảo mới nhất trình lên Chính phủ, Bộ GTVT đã bỏ qua quy định này.

Theo đó, dự thảo mới nhất chỉ nêu, ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “xe phù hiệu”; phải niêm yết chữ “xe hợp đồng” hoặc "xe hợp đồng điện tử "; niêm yết các thông tin trên xe theo quy định. Trường hợp ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết chữ "xe hợp đồng điện tử".

Tuy nhiên, quy định gắn hộp đèn với chữ "taxi điện tử" tiếp tục được áp dụng đối với xe taxi đang sử dụng các ứng dụng đặt xe điện tử.

Tờ trình của dự thảo nêu rõ: Bổ sung quy định xe taxi có hộp đèn với chữ "taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Điều 6 về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Ngoài ra, trên xe phải có thiết bị đã được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách; đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND).

Tức là, các xe đang là xe taxi có thể gắn “mào” theo logo của hãng hoặc gắn thêm mào “taxi điện tử” theo quy định để người dân có thể gọi xe theo cách truyền thống (gọi trên đường, qua tổng đài) hoặc dùng các ứng dụng gọi xe khác.

Vinasun cho rằng, cần phải bỏ quy định về vận tải hợp đồng điện tử, cùng với đó cần xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi bởi những bất cập mà doanh nghiệp này đã kiến nghị ròng rã trong nhiều tháng qua bởi sẽ tạo những hợp tác xã giấy, thất thoát thuế lớn, không xác định được trách nhiệm về an toàn trong những chuyến đi.

Theo Vinasun, việc bổ sung loại hình taxi điện tử nhưng chưa có phương án triển khai chi tiết sẽ gây náo loạn thị trường vận tải taxi. Doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT trả lời một loạt câu hỏi gồm: Việc cấp phép cho taxi điện tử được thực hiện như thế nào? Phù hiệu taxi điện tử cấp phép cho ai (hợp tác xã hay đơn vị cung cấp phần mềm)? Taxi điện tử gắn với một phần mềm cố định hay có thể chạy nhiều phần mềm khác nhau? Ai sẽ quản lý sự chính xác của các phần mềm này khi các thuật toán tính cước dễ dàng điều chỉnh bởi bên thứ 3 cung cấp? Giá cước taxi điện tử có phải đăng ký hay không? Taxi điện tử có bị không chế số lượng?

Đến thời điểm này Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm “không nên bổ sung thêm loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử”…

H.Anh

Dự thảo quy định quản lý đối với Grab taxi tiếp tục bị phản đối - 2