1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng thuế: Nhìn từ Vinashin tới 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ

Tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) lên 12%, đánh thiếu tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, tăng thuế thu nhập cá nhân với người trúng Vietlott… Đó là những chính sách thuế Bộ Tài chính đang đề xuất nhằm tăng thu.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, tăng thu mà không đi kèm giảm chi thì không xử lý được thực trạng khó khăn của ngân sách. Những khoản đầu tư thua lỗ, những DNNN làm ăn kém hiệu quả từ Vinashin cho tới 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ... nếu không chấm dứt thì khó có ngân sách nào gánh nổi.

Thu thuế theo “thông lệ quốc tế”?

Khi đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính đã lấy dẫn chứng loại thuế này ở các nước EU lên tới 19%, còn các nước thu nhập cao thuộc OECD như Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch… là 18%.

Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phải tăng loại thuế này lên cho phù hợp “thông lệ quốc tế”.

Tương tự, khi muốn đánh thuế 30% với người trúng xổ số 10 tỷ trở lên, Bộ Tài chính cũng cho rằng tỷ lệ 10% ở Việt Nam là “quá ít so với những người trúng độc đắc ở Mỹ”.


Công trình ngàn tỷ đắp chiếu là sự lãng phí gây nên gánh nặng ngân sách.

Công trình ngàn tỷ đắp chiếu là sự lãng phí gây nên gánh nặng ngân sách.

Còn khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, Bộ Tài chính cũng dẫn chứng các nước như Lào, Campuchia, rồi cả Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Hungary đều đánh loại thế này vào nước ngọt. Theo lý giải của Bộ Tài chính, lo dân béo phù nên phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

So sánh với quốc tế thường là một trong các lý do Bộ Tài chính đưa ra để chứng minh cho sự cần thiết phải tăng thuế trong nước. Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng tỷ lệ thuế trên một lít xăng dầu của Việt Nam vẫn kém Hàn Quốc, Campuchia, giá bán cũng thấp hơn Singapore, Hồng Kông, Lào…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mọi so sánh kiểu như vậy đều chưa đầy đủ. Không thể lấy riêng một sắc thuế của nước này để so sánh với nước khác rồi lấy đó làm một trong các lý do cần tăng thuế. Phải nhìn tổng thể tỷ lệ thuế mà người dân đang phải đóng.

Chia sẻ với PV.VietNamNet chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng So sánh chính sách thuế của Việt Nam với thông lệ quốc tế là để thấy thực trạng của mình đang ở đâu. Nhưng về cơ bản phải nhìn vào tác động mối quan hệ nhân quả của chính sách ấy với thực tế của mình.

“Khi áp thuế đó thì tác động tích cực, tiêu cực ra sao. Tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% hay bao nhiêu thì không thể lấy một con số ngẫu nhiên mà phải chỉ ra, phân tích cái đó mang lai lợi ích gì, thiệt hại gì”, ông Đinh Tuấn Minh nói.

Tuy nhiên, khi báo chí đặt câu hỏi việc áp dụng tăng, giảm các sắc thuế lần này theo đề xuất của Bộ Tài chính thì ngân sách tăng giảm ra sao, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế chưa trả lời cụ thể mà nói rằng “Đây là định hướng chính sách và chưa nằm trong chương trình của Quốc hội”. Vị lãnh đạo này cũng nói rằng sau này nếu được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội thì sẽ tính toán cụ thể tác động.

Dù vậy, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã tính toán riêng việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng. Từ đó, đưa tỷ lệ VAT trong tổng thu ngân sách lên 33%.

Thu nhiều, chi cũng phải siết chặt

Dù chia sẻ với những khó khăn về ngân sách Bộ Tài chính đang đối mặt, song nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN, Hiệp hội đều khẳng định “kiểm soát chi” mới là vấn đề đáng lưu tâm.


Kiểm soát chi tiêu là yếu tố quan trọng nhất để có một ngân sách lành mạnh.

Kiểm soát chi tiêu là yếu tố quan trọng nhất để có một ngân sách lành mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: Cái khó lớn nhất của nhà nước là hụt thu ngân sách . Chi thường xuyên, tức chi cho bộ máy chiếm tới 70-80% tổng số chi, số ít ỏi còn lại là chi trả nợ, chi đầu tư. Cấu trúc chi ngân sách này hoàn toàn không ổn. Chưa kể còn thất thoát do tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình của đầu tư trong nước.

Thực tế, những công trình lãng phí hàng chục nghìn tỷ khiến dư luận bức xúc thời gian qua là một trong những bằng chứng hiển hiện cho việc chi ngân sách không đạt hiệu quả. Cụ thể, 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, thua lỗ ngành Công Thương với tổng vốn đầu tư tất cả lên đến hàng trăm nghìn tỷ đã tạo thêm những gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Trước đó, những thua lỗ, nợ nần của Vinashin, Vinalines... với số tiền hàng chục nghìn tỷ, trong đó có nhiều khoản Chính phủ đứng ra bảo lãnh cũng đã tạo thêm khó khăn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên cho rằng: “Quan trọng thu thế nào, chi thế nào. Phải làm thế nào đảm bảo phải minh bạch và tiết kiệm”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh chia sẻ: Tôi muốn nhấn mạnh rằng vấn đề nợ công của Việt Nam - một nguyên nhân khiến Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác – xuất phát từ việc chi thường xuyên quá cao và Chính phủ có vẻ như gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi thường xuyên. Vì vậy, việc giảm chi thường xuyên mới là mấu chốt của vấn đề nợ công.

“Các nghiên cứu của chúng tôi đều chỉ ra ngân sách căng thẳng, nợ công cao là do chi tiêu quá nhiều, đặc biệt chi thường xuyên. Mấu chốt giải quyết nợ công, thâm hụt ngân sách là phải tạo ra bộ máy gọn nhẹ, giảm chi tiêu thường xuyên. Nếu không giải quyết được chắc chắn anh phải đối diện việc tăng thuế”, ông Minh nói.

Ông Đinh Tuấn Minh tái khẳng định: Đầu tiên và quan trọng nhất là phải giảm chi tiêu công. Đó là thông điệp mạnh mẽ để cải cách chính sách thuế.

Theo Lương Bằng
VietnamNet

Tăng thuế: Nhìn từ Vinashin tới 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm