"Phải giảm chi thường xuyên trước khi nghĩ tăng thuế VAT"

(Dân trí) - Trao đổi về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá gia tăng (VAT), ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello cho rằng cần xem lại và giảm chi thường xuyên, giảm áp lực nợ công.

Ông Minh cho rằng, cần phải nhìn nguyên nhân đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính như: Nợ công, thâm hụt ngân sách, thu khó bù đắp chi thường xuyên nên phải tăng thuế VAT là cách dễ nhất bù thu.

Tăng thuế VAT đang được cho là khiến người thu nhập thấp thêm khó khăn hơn (ảnh minh hoạ)
Tăng thuế VAT đang được cho là khiến người thu nhập thấp thêm khó khăn hơn (ảnh minh hoạ)

"Đứng ở góc độ nhà quan sát, quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc tăng thuế để bù đắp thì cần xem lại. Bởi cần giảm chi thường xuyên, giảm áp lực nợ công để áp lực tăng thuế giảm bớt", ông Minh cho hay.

Đại diện MarketIntello cho rằng, Bộ Tài chính lý giải rằng xem chính sách tăng thuế VAT như một trong những hướng cải cách thuế, chúng ta mong muốn giảm thu từ nguồn thuế khác như thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Tăng VAT để đạt mức thu thuế là điều gia tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Về lộ trình tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính, ông Minh cho rằng cũng cần nghiên cứu thời gian cụ thể, không thể tăng ngay lập tức mà phải lộ trình, có khoảng thời gian.

"Thay đổi thuế làm một số nhóm ngành nghề bị thiệt, cần lộ trình cần rõ ràng, đủ dài để điều chỉnh điều đó. Khi đó tạo ra sự công bằng, không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của người dân", ông Minh nói.

Thực tế, Bộ Tài chính lý giải tăng thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) bởi từ năm 2018, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đã được xóa bỏ thuế quan.

"Tiêu dùng dân hạn chế, sức khỏe DN không tốt, năm 2019 là bắt đầu cho tăng các loại thuế đã phù hợp với lộ trình hay chưa? Một điều tôi nghĩ rằng rất quan trọng là cần phải xem về tính công bằng giữa các ngành nghề trong việc tăng thuế. Tất cả điều này phải xem điều này có công bằng hay không? Tôi nghĩ cần phân tích, đánh giá thấu đáo. Nếu chỉ đưa ra con số mà không đưa ra phân tích về thiệt hại thì không hợp lý", ông Minh cho hay.

Về quan điểm tăng thuế với mục tiêu bù thu cho ngân sách, ông Minh cho rằng: VAT là hình thức thu thuế cao nhất, mọi người đều phải tiêu dùng và việc trốn thuế sẽ khó nhất. Một năm Việt Nam thu được phần thuế VAT khoảng 28% thu từ thuế. Đây là mức cao nhất trong các loại thuế, cao hơn thu nhập DN và thu nhập cá nhân.

“Tôi nghĩ rằng, Bộ Tài chính nhìn thấy thu thuế VAT là khả thi nên áp dụng. Nhưng điều này cần xem lại bởi nếu thu chỉ đủ bù đắp thâm hụt ngân sách thì không hợp lý mà phải giảm chi thường xuyên bằng việc tinh giản bộ máy hành chính”, ông Minh nói.

Trước đó như Dân Trí đưa tin, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế VAT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục, những nhóm còn lại tăng lên 6%.

Theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Nguyễn Tuyền