1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TS Trần Du Lịch: "Không nên đặt vấn đề tăng thuế lúc này"

(Dân trí) - "Hiện nay, việc cần thiết là phải kích thích tiêu dùng, tăng tích luỹ của người dân, gia tăng đầu tư... chứ tôi nghĩ không nên tăng thuế vào lúc này. Đây không phải là thời điểm sử dụng công cụ tài chính mạnh, đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ".

Đó là khẳng định của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi được hỏi quan điểm về việc Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế VAT, từ mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%.

TS Trần Du Lịch nói rằng, ông chưa biết danh mục cụ thể về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT nhưng quan điểm của ông là trong thời điểm hiện nay về chính sách thuế thì chưa nên đặt vấn đề tăng thuế.

"Vấn đề nghiên cứu lộ trình bao giờ tăng thuế, tăng như thế nào thì cứ nghiên cứu. Còn lại, thời điểm này, tôi nghĩ chưa phải lúc tăng thuế", ông Trần Du Lịch khẳng định.


TS Trần Du Lịch cho rằng không nên tính chuyện tăng thuế trong thời điểm hiện nay

TS Trần Du Lịch cho rằng không nên tính chuyện tăng thuế trong thời điểm hiện nay

Người đứng trong đội ngũ 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, điều đáng quan tâm hiện nay là phải kích thích tiêu dùng, tăng tích luỹ của người dân, chú trọng đến vấn đề đầu tư... chứ không phải tăng thuế.

"Hiện nay đang khuyến khích các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nên đây không phải là thời điểm sử dụng công cụ tài chính mạnh, đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ. Từ nay, kể cả năm 2018 - 2019 cũng chưa nên đặt vấn đề tăng thuế", ông Lịch nói.

Chuyên gia kinh tế này nhận định, hiện có nhiều phương thức đảm bảo nguồn thu của nhà nước. Mức thuế huy động trong điều kiện hiện nay là phù hợp. Không nên đặt vấn đề tăng mức huy động thuế, phí. Thay vào đó, cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chi công, chống lãng phí, huy động những kênh đầu tư mang tính xã hội hoá...

"Việc kiểm soát thu chi, chống thất thu thuế... để đảm bảo tính công bằng của nền kinh tế. Những cái đó nên làm tiếp, thay vì tăng thu thuế, phí", TS Trần Du Lịch khẳng định.

Như Dân trí đã thông tin, Bộ Tài chính vừa có báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo 2 phương án. Theo phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2, đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Bên cạnh đó, với lý do áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề, Bộ Tài chính đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế GTGT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục. Những nhóm còn lại đề nghị tăng thuế GTGT lên 6%.

Công Quang