ĐBSCL:

Tái cơ cấu nông nghiệp: Đừng để "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày"

(Dân trí) - Trong nền kinh tế thị trường, không thể trông chờ vào vận may - rủi giá cả đầu ra. Muốn cải thiện thu nhập, không còn cách nào khác người sản xuất phải tìm mọi phương cách giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng nông sản.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua, Bộ NNPTNT cho biết, đến nay đã có 12/13 tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá chuỗi giá trị ngành hàng. 

Sau hai năm triển khai, toàn vùng đã chuyển gần 80.000ha đất trồng lúa sang trồng rau, đậu tương và các loại hoa màu khác. Nhiều diện tích chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, trung bình tăng từ 20- 30%. Các tỉnh, thành phố đã quy hoạch cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và chọn một số cây trồng chủ lực, có lợi thế để ưu tiên phát triển theo hướng VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tái cơ cấu nền nông nghiệp: Đừng để đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày
Nhiều đại biểu đặt vấn đề đầu tư vào nông nghiệp bền vững, có lời... nhưng vì sao đến nay chỉ có 1% DN đầu tư vào nông nghiệp

Ngoài ra, các địa phương đã chọn vật nuôi chủ lực của từng vùng để tập trung phát triển chăn nuôi; Toàn vùng có hơn 620 nghìn ha nuôi tôm, sản lượng hơn 475 nghìn tấn; gần 6.600 trang trại; 1.200 HTX, chiếm 11,5% số HTX cả nước. Tính đến cuối năm 2014, bình quân mỗi tỉnh có 1.367 tổ hợp tác nông nghiệp, tăng 163 tổ so với năm 2013. Mô hình liên kết sản xuất theo hợp đồng đã tác động tích cực đến từng xã viên HTX, các tổ hợp tác và doanh nghiệp. Ðã hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh quỷ Đồng Tháp nhận định: HTX đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Càng đi vào tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình "hợp tác - liên kết - thị trường", càng cho thấy vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác là rất quan trọng, là điểm tựa cần thiết cho việc tổ chức lại nền sản xuất truyền thống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày". Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể trông chờ vào vận may - rủi giá cả đầu ra lúc nào cũng cao vì đó là quy luật cung cầu. Muốn cải thiện thu nhập, không còn cách nào khác người sản xuất phải tìm mọi phương cách giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng nông sản bằng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). 

Tái cơ cấu nền nông nghiệp: Đừng để đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày
Phó Thủ tưởng Hoàng Trung Hải đề nghị các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần quyết liệt hơn nữa trong công tác TCCNN, sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để điều phối chỉ đạo TCCNN

Đại diện công ty TNHH Trung An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) thẳng thắng phát biểu, TCCNN là quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước trước tập quán sản xuất manh mún nhỏ lẻ của nền nông nghiệp Việt Nam đã tồn tại hàng chục năm qua. Nông dân vào cánh đồng mẫu lớn lợi rất nhiều, cụ thể như doanh nghiệp chúng tôi đến nay nông dân muốn vào cánh đồng mẫu lớn phải nộp đơn vì lợi nhuận 1ha trồng lúa tăng 2 -3 lần so với sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài. Doanh nghiệp hiện nay chỉ mới liên kết được trên 4.000ha nhưng DN có nhu cầu đến 10.000 mới đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho khách hàng. 

"Cái lợi của doanh nghiệp và nông dân rõ ràng ra thế nhưng vì sao đến nay chỉ có 1% DN đầu tư vào lĩnh vực này? Tôi cho rằng do chính sách ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp chưa cao, còn những chính sách hiện tại thì khó thực hiện được. Ví dụ như chính sách giảm thất thoát sau thu hoạch chỉ dành cho người nông dân nhưng có bao nhiêu nông dân mua máy gặt, làm nhà máy xay sát, lò sấy…? phần lớn là DN đầu tư nhưng không được ưu tiến về vốn, lãi suất…", đại diện doanh nghiệp này băn khoăn.

Tại Hội nghị nhiều đại biểu đều nhận định sự cần thiết phải TCCNN nhưng hiện nay mỗi tỉnh làm một cách theo thế mạnh của tỉnh mình; chưa có sự liên kết, cần có sự điều phối vùng để tránh trùng lặp “dội hàng”. Ngoài ra, đại diện các tỉnh đều đề nghị Chính phủ cần ưu tiên vốn để hoàn thành mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi; các chính sách về nông nghiệp cần cụ thể rõ ràng để mang lợi lợi ích thật sự cho nông dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, thời gian tới, việc triển khai TCCNN cần quyết liệt hơn nữa. Muốn ĐBSCL phát triển không cách nào khác dựa vào thế mạnh ngành nông nghiệp. 

Ngoài ra Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần xây dựng Ban chỉ đạo TCCNN tại địa phương; rà soát lại các quy hoạch và các vùng chuyên canh để tập trung đầu tư; cần quan tâm nhiều hơn về cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình TCCNN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó tập trung vào khâu chọn giống; tăng cường kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là nâng cao trình độ quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo các HTX...

Nguyễn Hành
(haihanh@dantri.com.vn)

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”