1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cần thay đổi tư duy cũ trong đầu tư vào nông nghiệp

(Dân trí) - Sau 30 năm đổi mới vẫn phổ biến một tư duy cũ là một doanh nghiệp phải làm “từ a tới z” và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại tại Hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp do Bộ NN & PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội.

Đầu tư vào nông nghiệp còn thấp

Sau gần 3 thập kỷ đổi mới, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) thời gian qua còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng DN của cả nước, đa phần là quy mô vốn nhỏ. Số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%.   Trong năm 2008-2013, chỉ có 3.486 DN thành lập mới với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng lại có 475 DN (chiếm 15%) bị giải thể.

Bên cạnh những DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều DN đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước), mà chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.

Cần thay đổi tư duy cũ trong đầu tư vào nông nghiệp
 
Thiếu liên kết giữa các DN trong sản xuất và tiêu thụ là "nút thắt" trong tiêu thụ nông sản (Ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến đầu tư của DN vào nông nghiệp còn han chế như: Sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro; một số chính sách về đất đai, thuế, tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT có những hạn chế nhưng chậm được sửa đổi cho phù hợp; tính ổn định của quy hoạch và cs trong từng lĩnh vực nn chưa cao…

Theo Bộ trưởng Phát, đất đai là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào NNNT. Hiện nay, chưa có có chính sách tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp.

Về cơ sở hạ tầng, nhiều địa phương không có đủ ngân sách hỗ trợ nên nhiều DN phải tự bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực xung quanh dự án.

Về tín dụng, mặc dù ngân hàng nhà nước có nhiều cải cái tháo gỡ khó khăn nhưng nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn.

Bộ trưởng Phát nhấn mạnh: Chỉ có đưa mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới có đủ tiềm lực giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của ngành hiện nay: Có nguồn vốn lớn; có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để tăng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; có năng lực, nhanh nhạy kết nối thị trường.

"Không có con đường nào trải sẵn cả”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, không phải việc gì cũng đợi Nhà nước trong khi đã có rất nhiều mô hình, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã thành công. Vì thế, doanh nghiệp cần phát huy sáng tạo, tìm ra hướng đi để phát triển bởi “không có con đường nào trải sẵn cả”.

Phó Thủ tướng lý giải sự thất bại nhiều khi đến từ việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp nên vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng.

“Dù đã 30 năm đổi mới nhưng một tư duy cũ vẫn còn phổ biến là một doanh nghiệp phải làm “từ a tới z” mà thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau,” Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trong nền kinh tế thị trường, chỉ nên làm những điều mình giỏi nhất, có thể làm tốt nhất, bởi những thứ mà người khác làm giỏi hơn mình mà mình vẫn cố làm thì thật khó thành công.

Phó Thủ tướng đề nghị cần thí điểm giao cho các hiệp hội thực hiện một số chức năng mà trước đây vẫn được coi là chức năng quản lý Nhà nước, bởi nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy và làm rất tốt. Do đó, trước mắt có thể thí điểm, khi thành công sẽ triển khai rộng trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng khẳng định công tác quản lý thị trường cần được quan tâm và nỗ lực hơn nữa, bởi việc quản lý yếu kém sẽ “giết chết sự sáng tạo, nỗ lực và làm xói mòn cố gắng, lòng tin của các doanh nghiệp muốn làm tốt”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào thành công cũng đều có sự chỉ đạo của chính phủ. Khi xem xét đầu tư vào nông nghiệp, nếu chỉ một mình Bộ NN&PTNT sẽ không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành như tài chính, hải quan, lao động, giao thông vận tải...

Đại diện của WB cũng khuyến nghị rằng: Trong thời gian tới Bộ NN&PTNT cần có mối quan hệ với các nhà đầu tư Việt Nam.

Nguyên An
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”