Ba nhóm giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm

(Dân trí) - Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng giá trị sản xuất toàn ngành thông qua việc tăng sản lượng với các ngành có lợi thế về thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: T.N)
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: T.N)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Phát biểu tại cuộc họp báo về Kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của ngành nông nghiệp tổ chức ngày 1/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất nông nghiệp mạnh hơn, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn với 3 nhóm giải pháp trọng tâm cho sản xuất.
 
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản của nước ta đạt 2,36% - mức này cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%), nhưng lại thấp hơn so với 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.

Đến nay vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là: chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Việt Nam đang nỗ lực đang dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản (Ảnh minh họa)
 
Việt Nam đang nỗ lực đang dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản (Ảnh minh họa)

Để đạt được mức tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng giá trị sản xuất toàn ngành thông qua việc tăng sản lượng với các ngành có lợi thế về thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm.
 
Bộ trưởng Phát đưa ra ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là rà soát lại các chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như lúa gạo: Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển các giống lúa có chất lượng cao để tiêu thụ trong nước, đồng thời xem xét về diễn biến thị trường thế giới và phối hợp với các tỉnh ĐBSCL hướng dẫn nông dân sản xuất vụ Thu Đông có thể với quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.
 
Thứ hai là thực hiện đồng bộ giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp như đơn giản hóa, thậm chí cắt bỏ thủ tục hành chính, công khai hóa áp dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và người dân. Ví dụ như trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thay vì kiểm dịch ở cửa khẩu, trên biển 24 giờ thì nay rút xuống còn 10 giờ; với ngành thú y thay vì mất 3 ngày kiểm dịch thì nay giảm xuống tính theo giờ; loại bỏ 31 loại phí và lệ phí...
 
Thứ ba là tháo gỡ vướng mắc để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân. Hiện nay nước ta đã đàm phán ký két nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng các hiệp định này chủ yếu tập trung vào miễn giảm thuế quan.
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn mở cửa thị trường với thủy sản và sản phẩm trồng trọt, thúc đây mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu để đảm bảo công bằng thương mại và sản xuất trong nước.
 
Thảo Nguyên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”