1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Sứ mệnh lớn đặt trên vai các doanh nhân khi vào TPP

(Dân trí) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong trận chiến kinh tế. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu là sứ mệnh của doanh nhân.


Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (ảnh: Vietnamnet)

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI (ảnh: Vietnamnet)

Trước thềm kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại, chính thức kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết và thực thi trong năm 2016, là niềm vui song cũng là nỗi lo của tất cả các thành phần tham gia vào nền kinh tế.

Theo nhìn nhận của ông Lộc, TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận. Nhà nước là hậu phương vững chắc.

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang xếp ở thứ hạng thấp (với TPP, với EVFTA… là thấp nhất). So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh.

Cụ thể, về số lượng, vào thời điểm hiện nay, bình quân 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có 1 doanh nghiệp. 96-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế có qui mô nhỏ và siêu nhỏ.

Do đó, theo ông Lộc, một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu và có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới.

“Làm giàu chân chính là yêu nước”

Trong suốt 3 thập kỷ qua, từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là “thằng bán tơ” trong truyện Kiều, là “mụ Lường” trong kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam, là đối tượng trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, là “con buôn”, “con phe” trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình trong 2 chữ “Doanh nhân” trong thời đại mới.

Đến nay, Việt Nam đã có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào tổ chức quản lý điều hành gần 500 ngàn doanh nghiệp, hơn 15 ngàn trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia.

Theo ông Lộc, Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong trận chiến kinh tế. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu là sứ mệnh của doanh nhân.

Song, sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch...

Mặc dù có những nỗ lực cải cách về hành chính, song theo Chủ tịch VCCI, khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa. Vì vậy, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm. Một chính quyền vì dân phải hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức.

Ông Lộc cũng lưu ý với giới doanh nhân rằng, để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu quan trọng nhất đối với cộng đồng kinh doanh là phải chuẩn bị một tâm thế “tự cứu lấy mình” trong quan hệ với Nhà nước và “chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng” trong quan hệ với thị trường.

Đồng thời, phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; phải chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”... Đối với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn của họ, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Bích Diệp

Sứ mệnh lớn đặt trên vai các doanh nhân khi vào TPP - 2
Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm