Việt Nam bước vào sân chơi mới sau kết thúc đàm phán TPP

(Dân trí) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, TPP sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi lớn, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng.

Sau 5 năm đàm phán với vô số những bất đồng và trở ngại, tối 5/10 (giờ Hà Nội), 12 nước tham gia đã chính thức hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước khi chính thức được ký kết, TPP sẽ phải được sự phê chuẩn của các nguyên thủ của 12 nước tham gia đàm phán cũng như cần được Quốc hội các nước thành viên thông qua.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng và sẽ tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng và sẽ tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam".

Nền kinh tế sẽ khởi sắc nhờ TPP

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, TPP sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi lớn, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng.

Chia sẻ sau thông tin TPP kết thúc đàm phán, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng và tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam là nước có trình độ thấp nhất trong TPP nên sản phẩm xuất khẩu sang các nước khác không bị cạnh tranh mà cơ cấu của các nước còn bổ sung cho Việt Nam.

“Chúng ta nhập khẩu máy bay, phần mềm từ Mỹ trong khi xuất khẩu nông sản, dệt may, da giày sang Mỹ. Với thuế quan thì hàng hoá Việt Nam có thể xuất khẩu tăng lên rất cao. Đấy là điều có lợi. Ngoài ra, còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi mà Việt Nam được hưởng ưu đãi”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho rằng, có nhiều thách thức lớn khác bởi khi mở cửa thị trường thì còn có các rào cản kĩ thuật đi kèm. Theo đó, hàng hoá phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì, bảo đảm dư lượng kháng sinh, hoá chất, các điều kiện của lao động phải được bảo đảm… Do đó, Việt Nam cần cải thiện điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp để tận dụng được những cơ hội mà TPP mang lại.

Còn theo ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng của World Bank tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: “Về tổng thể, hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong dài hạn. Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng mang lại nhiều áp lực cho các nhà sản xuất trong nước. Họ sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nhưng điều này sẽ đồng thời giúp thúc đẩy hiệu suất".

Theo chuyên gia của World Bank, với kịch bản tốt nhất, TPP sẽ đem lại lợi ích, giúp các quốc gia tiếp cận thị trường mà trước đây chưa tiếp cận được. Bên cạnh đó, khi tham gia vào TPP, GDP của Việt Nam còn có thể tăng thêm 8-10% đến năm 2030 và thu hút thêm dòng vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng, TPP có thể mang lại cho GDP Việt Nam 3,7 tỷ USD mỗi năm.

Đánh giá cụ thể về tác động của TPP, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR thì cho rằng: “Các khoản gia tăng cho GDP Việt Nam khi chúng ta gia nhập TPP là tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu và tăng đầu tư, trong đó có cả đầu tư FDI và tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư nội địa). Lợi thế lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào TPP sẽ là thúc đẩy xuất khẩu tăng cao khi thuế quan nhiều mặt hàng ở các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản sẽ gia tăng”.

Dệt may có cơ hội “phất lên"

Theo thoả thuận đạt được của các Bộ trưởng, đối với mặt hàng dệt may - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may – ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặt dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn.

Đánh giá về tác động của TPP đến nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Ngành dệt may có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, khi tham gia TPP nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn. Đồng thời, mang lại lợi ích cho người nghèo vì ngành cần đến hàng triệu lao động. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nước TPP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may của Việt Nam.”

Hiện tại, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng quần áo dệt may và da giầy sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật.

Theo dự báo của World Bank, sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020. Cũng theo dự báo của tổ chức này, tính chung tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành có thể ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, sau khi gia nhập TPP, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn, chuyển dịch nguồn cung sang các nước trong TPP, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan.

Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Cơ hội tiếp cận thị trường 20 nghìn tỷ USD

TPP là một Hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được thông qua kể từ năm 1994, khi Vòng đàm phán Uruguay cho ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn nhưng khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Đáng lưu ý, cả 12 nước tham gia TPP đều là thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) với dân số 650 triệu người, tổng GDP 20 nghìn tỷ USD.

Trong một thông cáo mới phát đi, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực. "Thỏa thuận này không chỉ quan trọng vì quy mô của nó, khi các nước ký kết chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, mà còn thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới, nơi có lợi ích đáng kể", bà nói.

Bà cho hay IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện. "Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng TPP có thể mở đường cho một loạt nỗ lực hội nhập thương mại sâu rộng. Tôi khuyến khích các quốc gia khác tái nỗ lực để hoàn thành các cuộc đàm phán đang diễn ra và cộng đồng quốc tế nói chung tái tham gia vào các sáng kiến thương mại đa phương nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu gắn kết".

Phương Dung

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP