Bộ trưởng Công Thương: TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành công thương khẳng định, nguyên tắc khi tham gia đàm phán TPP của Việt Nam là mang tính xây dựng, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các nước thoả đáng.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Atlanta.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Atlanta.

Chia sẻ với báo chí ngay khi bước chân xuống sân bay vào sáng nay (7/10) sau chuyến đi đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định: “Với 20 năm kinh nghiệm hội nhập cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin rằng mục tiêu đặt ra với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp”.

Bộ trưởng cho hay, trong quá trình đàm phán, Việt Nam được đánh giá là đối tác đàm phán mang tính xây dựng, quyết tâm, chân thành và luôn giữ được nguyên tắc của mình. Trong lần đàm phán này, ngay cả trong những phút gay cấn như bàn về vấn đồ ô tô, bảo hộ dược phẩm sinh học, Việt Nam vẫn luôn giữ nguyên tắc có tiếng nói chung, hài hoà lợi ích giữa các nước thoả đáng.

“Việt Nam luôn nhắc đến nguyên tắc này. Bộ trưởng Nhật có nhận xét rằng “Việt Nam là một đối tác đàm phán cởi mở, chân thành, xây dựng và góp nhiều vào kết quả TPP nói chung cũng như Việt Nam với Nhật Bản nói riêng”, ông nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo thỏa thuận, các nước có thời gian rà soát. Sau đó công bố rộng rãi nhằm hiểu được nội dung chính, những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, các thách thức cần đương đầu để có ứng phó phù hợp. Sau khi đàm phán cấp Bộ trưởng kết thúc, Chính phủ sẽ có báo cáo lên Trung ương xem xét rồi sẽ thông qua Quốc hội.

Chia sẻ thêm về những nội dung chính của TPP, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, các yêu cầu của Hiệp định rất cao, trong đó bao gồm cả việc thực thi khuôn khổ pháp lý. Đây cũng là những nội dung Việt Nam đang thực hiện dù có tham gia TPP hay không nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Một nội dung quan trọng khác là mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. TPP là cơ hội lớn thu hút các doanh nghiệp lớn trong khối, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn mà Việt Nam đang rất cần nhưng chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của nước ngoài. TPP là cơ hội lớn để ta tận dụng. Cũng là cơ hội bổ khuyết cho các lĩnh vực đầu tư chưa có vốn, trình độ công nghệ chưa đáp ứng được”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, đối với ngành cụ thể như nông nghiệp, trong quá trình đàm phán, Chính phủ cũng chỉ đạo đặc biệt quan tâm tới người nông dân. Theo đó, Việt Nam đã thuyết phục được các đối tác một lộ trình đủ dài để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao mô hình cũng như năng suất lao động.

"Khi mở cửa không hạn chế cho hàng nông sản thực phẩm vào Việt Nam, một mặt người tiêu dùng sẽ có cơ hội lựa chọn hàng hóa giá phù hợp, chất lượng cao. Tuy nhiên, như chăn nuôi là ngành nhỏ lẻ, năng suất thấp nên trong đàm phán, chúng ta bao giờ cũng cố gắng kéo dài lộ trình bảo hộ cho các sản phẩm còn yếu. Nhưng lộ trình này cũng phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, các bộ ngành sẽ phải thực hiện đề án tái cơ cấu và có biện pháp cụ thể hơn để thu hẹp khoảng cách giữa nông nghiệp Việt Nam với các nước”, Bộ trưởng nói.

Đối với ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, Bộ trưởng Hoàng cho biết, khi tham gia TPP, dệt may sẽ cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước.

"Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là tỷ lệ phụ kiện phụ phẩm tự sản xuất còn thấp, chưa tới 50%, còn lại nhập ngoại nên phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước, thu hút kêu gọi đầu tư để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đã nâng đươc tỷ lệ nội địa thì giá trị gia tăng càng lớn. Đây là kỳ vọng và quyết tâm của ngành dệt may”, ông nói thêm.

Phương Dung

Bộ trưởng Công Thương: TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp - 2
Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP