CEO MB lý giải thắc mắc của cổ đông chuyện bán vốn "giá rẻ" cho Viettel
(Dân trí) - Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, cho biết ngân hàng dự kiến bán vốn cho Viettel trong quý III. Cổ đông đặt vấn đề mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu trên liệu có rẻ?
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã: MBB) tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2021.
Tại sao lại đặt kế hoạch tăng đột biến vốn điều lệ?
Tại phiên họp, cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề tăng vốn điều lệ "đột biến" thêm 40% trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa phục hồi mạnh. Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB - cho hay: Mỗi năm ngân hàng đều tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động dựa trên quy mô tài sản (phụ thuộc vào cho vay, huy động vốn). Việc tính toán tăng vốn làm gì cho phù hợp chiến lược 5 năm là rất quan trọng. Nếu tận dụng thời điểm phù hợp sẽ tăng được quy mô tín dụng và tài sản tốt.
MB sẽ kết thúc chiến lược 5 năm trong năm 2021. Trong 5 năm tiếp theo sẽ có chiến lược mới, trong đó tập trung đầu tư cho mô hình kinh doanh tập đoàn gồm ngân hàng và 6 công ty thành viên, trong đó hướng tới kinh doanh tập đoàn và quy mô thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải tăng vốn.
3 phương án tăng vốn được CEO MB nêu ra gồm:
Lần 1 tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng lên trên 38.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.
Lần tăng vốn thứ 2 thêm khoảng 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.
Lần tăng vốn thứ 3 là thêm khoảng 192,4 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
4.783 tỷ đồng trong phần vốn gần 10.700 tỷ đồng tăng thêm sẽ dự kiến được dùng để đầu tư năng lực (hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở tại TP.HCM...). Hơn 5.900 tỷ đồng được dùng để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (bao gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới…).
Ngân hàng dự kiến bán vốn cho Viettel trong quý III, dựa trên giá trị sổ sách là soát xét của quý II. Hiện giá trị sổ sách của cổ phiếu MBB chỉ quanh 18.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông nêu vấn đề và cho biết liệu MB có bán quá rẻ cho Viettel.
Ông Lưu Trung Thái cho biết Viettel là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, có sự hỗ trợ rất lớn. Việc đưa ra giá bao nhiêu phải phụ thuộc vào lợi ích 2 bên, hiện các thuê bao của Viettel có tới 6 triệu là khách hàng của MB...
Chia cổ tức 2020 ở mức 35%
Các cổ đông đã thông qua mức cổ tức dự kiến chi trả từ kết quả kinh doanh năm 2021 là 10% - 15%; thông qua định hướng tăng vốn điều lệ lên trên 38,6 nghìn tỷ đồng; phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức hàng năm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ dự kiến từ 10% - 15%/năm.
Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc thành lập ngân hàng 100% vốn hoặc liên doanh, cổ phần ở nước ngoài tại Campuchia trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB tại Campuchia.
Kết thúc năm 2020, MB có lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng là 7.840 tỷ đồng. Sau khi trích lập các, quỹ lợi nhuận để lại của ngân hàng còn 5.841 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận để lại của các năm trước là hơn 10.100 tỷ đồng. Với nguồn lợi nhuận, MB dự định trích ra 9.795 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu.
Trong năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất hướng tới 13.200 tỷ đồng, tương đương tăng 20% so với năm trước; tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 11%; huy động vốn tăng tùy theo nhu cầu sử dụng vốn; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở dưới 1,5%.
"Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận 20% là mức tối thiểu. Ngân hàng cũng phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 17% tùy theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước", ông Thái nói và cho biết thêm, trường hợp dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì mục tiêu lợi nhuận sẽ khoảng 10%.
Đối với việc chia cổ tức năm 2020 ở mức 35%, ngân hàng xác định không dùng tiền của cổ đông hiện hữu mà chia bằng nguồn lợi nhuận để lại.
"Nếu được đề xuất tôi chỉ đề xuất chia cổ tức 20% cho năm vừa qua vì chia cổ tức nhiều thì sức ép lên ban điều hành càng lớn. Năm sau sẽ chia cổ tức 10 - 15% cho hiệu quả hoạt động của năm 2021. Tại sao không chia tiền mặt thì đó là do mục tiêu phát triển của ngân hàng cũng như chính sách của Ngân hàng Nhà nước", ông Thái nhấn mạnh.