(Dân trí) - Quý 4/2020, Sabeco gây ấn tượng khi doanh thu giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng gấp rưỡi. Nguyên nhân là do lãnh đạo người Thái giỏi hơn sếp người Việt hay có câu chuyện nào khác đằng sau các con số?
Sabeco giảm thu vẫn tăng gấp rưỡi lãi:
Người Thái giỏi hơn người Việt hay…?
Trong năm quý 4/2020, Sabeco gây ấn tượng khi giảm sâu doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp rưỡi. Nguyên nhân là do lãnh đạo người Thái giỏi hơn sếp người Việt hay có câu chuyện nào khác đằng sau các con số?
THU GIẢM, LÃI TĂNG NHỜ CẮT GIẢM CHI PHÍ
Nghị định 100, đại dịch Covid-19, lũ lụt là những yếu tố tác động mạnh tới ngành bia trong năm 2020. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không thể thoát khỏi xu hướng này. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của Sabeco đã cho thấy doanh thu Sabeco giảm sâu. Thế nhưng, bất ngờ ở chỗ, lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp rưỡi.
Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2020 của Sabeco chỉ đạt 7.905 tỷ đồng, giảm 1.907 tỷ đồng, tương đương 19,4% so với quý 4/2019; lũy kế cả năm đạt 28.136 tỷ đồng, giảm 9.998 tỷ đồng, tương đương 26,2% so với cả năm 2019.
Có thể thấy, nếu tính theo quý 4, Sabeco có đã kỳ thấp nhất trong 5 năm gần đây. Doanh thu trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 8.844 tỷ đồng, 10.537 tỷ đồng, 10.405 tỷ đồng và 9.812 tỷ đồng.
Thế nhưng, lãi ròng của Sabeco bất ngờ tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 5 năm này (tính theo quý 4, thời điểm ngành bia thăng hoa nhất khi đón Tết).
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 của Sabeco lên tới 1.534 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng, tương đương 40,6% so với quý 4/2019. Tính chung cả năm, chỉ tiêu này vẫn giảm từ 5.053 tỷ đồng xuống 4.723 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý 4 trong các năm từ 2016 đến 2019 là 997 tỷ đồng, 1.419 tỷ đồng, 919 tỷ đồng và 1.091 tỷ đồng.
Sabeco đã đề cập tới vấn đề này. Doanh thu đang dần phục hồi từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái trước tác động của bão và lũ lụt. Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng vọt. Theo Sabeco, đó là do công ty kiểm soát chặt chẽ chi phí.
Quý 4/2020, tất cả các loại chi phí đều giảm. Chi phí tài chính giảm từ 98 tỷ đồng xuống 42 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 150 tỷ đồng, tương đương 16,6% xuống 754 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 377 tỷ đồng, tương đương 72,9% xuống 140 tỷ đồng.
GIẢM SỐC CHI PHÍ HAY THEO KẾ HOẠCH
Có thể thấy Sabeco đang đạt kỷ lục về lợi nhuận nếu tính theo quý 4 khi mạnh tay cắt giảm các loại chi phí. Nhưng câu hỏi đặt ra là Sabeco "thắt lưng buộc bụng" để đối phó với hàng loạt thách thức khách quan hay đang theo lộ trình?
Sabeco từng là doanh nghiệp Nhà nước. Cuối năm 2017, thị trường chứng khoán đã chứng kiến thương vụ "khủng". Ông lớn ngành bia Thái Lan là ThaiBev thâu tóm Sabeco với mức giá cao hơn giá thị trường.
Cụ thể, hồi tháng 12/2017, công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty con của ThaiBev đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,6% vốn) với với mức giá 320.000 đồng/CP. Như vậy, ThaiBev chi khoảng 5 tỷ USD để thực hiện thương vụ này.
Không lâu sau khi thâu tóm Sabeco, ThaiBev đã tái cơ cấu Sabeco quyết liệt. Ngoài việc thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt, cắt giảm chi phí là một trong những yêu cầu hàng đầu mà người Thái đặt ra.
Giữa năm 2019, 1,5 năm sau thương vụ khủng, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá cao động thái cắt giảm chi phí trong việc nâng cao lợi nhuận Sabeco.
Theo BVSC, Sabeco tăng vọt lãi chủ yếu là nhờ giảm tiêu hao bao bì giấy (giảm trọng lượng) và lon nhôm. Ngoài ra, Sabeco cũng tăng cường tiết giảm chi phí vận chuyển. Trong tháng 2/2019, Sabeco đã tổ chức đấu thầu và chọn ra 5 công ty vận chuyển (so với chỉ 1 công ty trong quá khứ). Bên cạnh đó, Sabeco cũng áp dụng chế độ lương thưởng mới từ quý 1/2019 nhằm thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động.
CẮT GIẢM CHI PHÍ "THĂNG HẠNG" CÔNG TY CON
Khi tiếp quản Sabeco, ThaiBev không chỉ tái cấu trúc "mẹ" mà còn dọn dẹp "con". Dưới thời ThaiBev, khá nhiều công ty con của Sabeco khởi sắc.
Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) là công ty con nổi tiếng nhất của Sabeco. Trong giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, Nước giải khát Chương Dương là một trong những điểm đến được yêu thích của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sá xị Chương Dương ngày càng đuối. Thương hiệu lừng lẫy đứng trước nguy cơ trở thành "vang bóng một thời". Tới năm "bản lề" 2017, Sabeco vẫn "chuyển giao" cho ThaiBev một SCD kiệt quệ. Năm 2017, SCD lỗ 3 tỷ đồng cùng với doanh thu giảm sâu.
Khi về tay ThaiBev, SCD được ưu ái tái cấu trúc sớm. ThaiBev và Sabeco xác định 2019 là năm bản lề cho SCD thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, trọng tâm phát triển thương hiệu Chương Dương tại thị trường nội địa. Máy móc, kênh phân phối và marketing sẽ được đầu tư.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2019 của SCD được cải thiện mạnh, tăng lên 16,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy điều bất ngờ này xảy ra khi SCD điều chỉnh chi phí theo hướng cắt giảm. So với năm 2017, chi phí bán hàng giảm từ 48,6 tỷ đồng xuống 27,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 35,5 tỷ đồng xuống 29,1 tỷ đồng. Chỉ có cắt giảm chi phí mới giúp SCD đạt lợi nhuận cao dù doanh thu giảm từ 357 tỷ đồng xuống 278 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ công ty mẹ tới công ty con, Sabeco thực hiện hàng loạt giải pháp để "thăng hạng" lợi nhuận nhưng "bài" rõ nét nhất chính là mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động.
Câu hỏi đặt ra là liệu những năm trước đây, chi phí tại Sabeco có thể cắt giảm chi phí được như năm 2020 hay không? Nếu có thể, số tiền đó đã đi đâu?
VÌ SAO CHI PHÍ TẠI SABECO LẠI LÀ CÂU CHUYỆN LỚN?
Tại một doanh nghiệp bất kỳ, chi phí luôn là câu chuyện lớn, còn tại Sabeco, câu chuyện này có thể được quan tâm nhiều hơn thông thường bởi người ta sẽ giật mình khi so sánh hiệu quả kinh doanh giữa Sabeco và Heineken.
Suốt thập kỷ qua, Sabeco và Heineken thường xuyên bị đưa lên "bàn cân" và được xem là đối trọng chính trên thị trường bia. Trong nhiều năm liền, Sabeco được biết đến có thị trường số 1 Việt Nam. Năm 2017, Sabeco nắm giữ tới 42,2 thị phần với 1,8 tỷ lít bia, còn Heineken đứng thứ hai với 21,8%.
Chênh lệch lớn về thị phần, chênh lệch thấp về doanh thu nhưng Heineken lại vượt xa Sabeco về lợi nhuận. Điều này bộc lộ rõ sự khác biệt về quản trị chi phí của hai bên.
Heineken kín tiếng, không công bố báo cáo tài chính. Nhưng số liệu trong 3 năm gần đây đã bộc lộ rõ điều đó.
Cụ thể, trong năm 2015, 2016, 2017, Sabeco và Heineken lần lượt đạt doanh thu 27.144 tỷ đồng, 30.466 tỷ đồng, 34.139 tỷ đồng và 15.420 tỷ đồng, 21.366 tỷ đồng, 21.583 tỷ đồng.
Trong thời kỳ này, lợi nhuận trước thuế tại Sabeco và Heineken lần lượt là 4.366 tỷ đồng, 5.727 tỷ đồng, 6.077 tỷ đồng và 6.069 tỷ đồng, 9.471 tỷ đồng, 8.658 tỷ đồng.
So sánh trong năm 2017, doanh thu của Sabeco cao gấp 1,6 lần Heineken nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 0,7 lần. Chi phí có thể là nguyên nhân chính gây nên nghịch lý này.
"KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP CÓ LỢI ÍCH LỚN HƠN CÔNG TY"
Sabeco là một trong những đơn vị có hệ thống công ty con dày đặc, phủ đều trong cả nước. Thời gian qua nhiều công ty con đã "thăng hạng" nhưng không phải đơn vị nào cũng hoạt động hiệu quả.
Tại thời điểm 31/12/2017, ngay trước thềm chuyển giao cho người Thái, Sabeco có khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty con, công ty liên kết) lên đến 2.193 tỷ đồng nhưng phải trích 297 tỷ đồng để dự phòng. Hồi cuối năm 2016, số trích lập lên tới 427 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa Sabeco có nhiều hoạt động đầu tư kém hiệu quả.
Còn tại thời điểm 31/12/2020, số tiền mà Sabeco phải chi ra để trích lập dự phòng lên đến 444 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là 136 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Đứng sau là 70,8 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư thương mại Tân Thành, 45 tỷ đồng tại Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2,… Sabeco sa lầy trong lĩnh vực tài chính suốt nhiều năm liền.
Nhiều khoản đầu tư không hiệu quả từ "nhiệm kỳ cũ" có thể sẽ khiến ThaiBev chưa thể kết thúc quá trình tái cơ cấu tại Sabeco.
Thay đổi bộ máy nhân sự, cắt giảm chi phí... là những động thái đầu tiên của người Thái thực hiện khi tái cấu trúc Sabeco nói riêng và các công ty con nói chung.
Tổng giám đốc Sabeco Bennett Neo, đại diện ThaiBev tại Sabeco khẳng định: "Không ai được phép có lợi ích lớn hơn công ty, kể cả chủ tịch hay tổng giám đốc, cũng như không có những nhóm độc quyền thông tin ở Sabeco".
Tổng giám đốc Bennett Neo nhấn mạnh vào câu chuyện lợi ích khi mà Sabeco đã từng lùm xùm vì lợi ích nhóm.
Ngày 22/12/2011, tại Cục CSĐT tội phạm tham nhũng (C48), Bộ Công an đã thông báo quyết định khởi tố vụ án về những sai phạm nghiêm trọng tại Sabeco, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.
Đến tháng 7/2020, Cơ quan Điều tra Bộ Công an, các cựu lãnh đạo Sabeco tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cần kiến nghị xử lý nghiêm về mặt Đảng, chính quyền.