Sabeco đạt lãi ròng sát mức “kỷ lục” bất chấp Covid-19 và Nghị định 100
(Dân trí) - Sau khi chịu tác động tiêu cực trong 2 quý đầu năm, lãi ròng Sabeco quý 3 đã hồi phục về mức 1.393 tỷ đồng và xấp xỉ với mức đỉnh lịch sử 1.438 tỷ đồng đạt được hồi quý 2/2019.
Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán SAB) đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 cho thấy sự tiếp tục suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong kỳ vừa rồi, “ông lớn” ngành bia Việt ghi nhận đạt 8.052 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% tương ứng giảm 1.693 tỷ đồng so với cùng kỳ. Do giá vốn cũng giảm mạnh 24% xuống 5.580 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp vẫn tăng 3% so cùng kỳ lên 2.472 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm nhẹ 5% xuống 239 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng thêm 38 tỷ đồng (chi phí lãi vay tăng 121%); lãi trong liên doanh, liên kết giảm 12%. Mặc dù Sabeco giảm được 2% chi chí bán hàng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 15%.
Theo đó, lợi nhuận thuần trong kỳ gần như đạt tương đương về mức cùng kỳ, đạt 1.806 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng nhẹ 1% lên 1.822 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng lên 1.470 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, đại diện Sabeco cho biết, doanh thu quý 3 phục hồi so với quý trước do thị trường khôi phục sau đại dịch Covid-19. Lợi nhuận cao hơn cùng kỳ do quản lý chi phí tốt hơn.
Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) Sabeco trong quý 3 vừa rồi đạt 1.393 tỷ đồng và xấp xỉ với mức đỉnh lịch sử 1.438 tỷ đồng đạt được hồi quý 2/2019.
Tuy nhiên, với ảnh hưởng của hai quý trước, lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu thuần của Sabeco vẫn ghi nhận suy giảm 29% so cùng kỳ xuống mức 20.096 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 20% đạt 3.403 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Sabeco, doanh thu bia vẫn là trụ cột với đóng góp 17.929 tỷ đồng; doanh thu bao bì vật tư là 2.058 tỷ đồng. Doanh thu được giải khát ở mức 109 tỷ đồng và doanh thu rượu cồn là 57 tỷ đồng.
Dù khó khăn nhưng “ông lớn” này vẫn không tiếc tiền cho chi phí quảng cáo để thúc đẩy doanh số sản phẩm. Trong 2.105 tỷ đồng chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm thì chi phí quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ chiếm phần lớn, lên tới 1.165 tỷ đồng, tăng 186 tỷ đồng so cùng kỳ. Trong khi chi phí nhân công giảm từ 560 tỷ đồng của cùng kỳ xuống 518 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100. Theo lãnh đạo Sabeco, tổng công ty này cũng đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Do thận trọng với điều kiện kinh doanh bất lợi, Sabeco đã hạ sâu mục tiêu cho năm 2020 với kế hoạch doanh thu 23.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.252 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 39% so với thực hiện năm 2019.
Như vậy, sau 9 tháng, Sabeco đã hoàn thành được 84% kế hoạch doanh thu và đã vượt gần 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 (30/10), cổ phiếu SAB của Sabeco giảm nhẹ 0,11% còn 184.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thấp với khối lượng giao dịch chỉ đạt trên 64 nghìn đơn vị.