1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi

Trần Kháng

(Dân trí) - Sáng nay (26/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Theo Chương trình của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Cuối thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi - 1

Quốc hội sẽ thảo luận về ý kiến khác tại dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh minh họa: Quochoi.vn).

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48 ngày 6/5/2021 của Chính phủ. 

Hiện nay, dự thảo luật đang trong quá trình được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đảm bảo chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2022), Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về các nhóm chính sách về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Chẳng hạn như đại biểu ý kiến cần bổ sung đối tượng người tiêu dùng, bên cạnh cá nhân, còn là tổ chức nhằm đảm bảo tính bao quát của luật.

Câu chuyện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiện sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không cũng được đặt ra. Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Đại biểu đưa ra ví dụ về những chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc huyết áp, tiểu đường, sữa dinh dưỡng… Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một số đại biểu thì kiến nghị cần bổ sung việc cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ; hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chí người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quy định rõ hơn về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương không chỉ tổn hại về sức khỏe, tinh thần mà còn những yếu tố khác; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng...