1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Đau đầu" với đủ chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đang ở mức báo động. Thậm chí hình ảnh Giám đốc bệnh viện cũng bị đưa lên mạng để quảng cáo TPCN.

Tại Hội thảo phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam, do Cục An toàn thực phẩm, Hiệp hội Thực phẩm chức năng và Báo điện tử VTCnews phối hợp tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý bày tỏ bức xúc khi quá nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo lừa đảo người tiêu dùng.

Có hình ảnh bác sĩ, lời khuyên bác sĩ... nhiều người sập bẫy

Ngày 20/12, chia sẻ với báo chí, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi được  bạn bè gửi cho một số liên kết trên facebook mà nội dung là các trang quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong đó có lấy hình ảnh của ông ghép vào, ông ngỡ ngàng.

Đau đầu với đủ chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng - 1

Hình ảnh GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức bị giả danh quảng cáo cà phê chữa huyết áp.

"Họ quảng cáo cà phê chữa huyết áp, với hình ảnh của tôi, được giới thiệu là Trưởng khoa tim mạch", GS Giang nói.

"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào", GS Giang thông tin.

Ông cũng chia sẻ, khi đọc thử những thông tin quảng cáo trong các trang này thì thấy toàn là các thông tin không được kiểm chứng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác dụng.

"Mọi người tuyệt đối không tin theo, mua, sử dụng các sản phẩm đó mà có nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi người hãy để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng tra thông tin trên mạng rồi làm theo", GS Giang khuyến cáo.

Thực trạng này cũng được các chuyên gia nêu lên tại Hội thảo phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sai nội dung mà cơ quan chuyên môn đã thẩm định, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ, cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… diễn ra phức tạp trên mạng xã hội.

Đau đầu với đủ chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng - 2

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Ảnh: Ngô Trần).

"Chúng tôi nhận được rất nhiều điện thoại phản ánh, sản phẩm quảng cáo có logo truyền hình quốc gia (thực tế là bị cắt ghép - phóng viên) thì sao chúng tôi không tin được. Rồi có hình ảnh bác sĩ, nói sản phẩm A,B,C chữa bệnh. Rồi cả tình trạng "nhà tôi 3 đời" chữa bệnh nọ bệnh kia, nhiều người dân đã tin tưởng hiệu quả chữa bệnh của các sản phẩm này", bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Nhận diện thực phẩm chức năng quảng cáo thổi phồng

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặt biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.

Đau đầu với đủ chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng - 3

Một hình ảnh vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh được các chuyên gia chia sẻ.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo:

- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo

- Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.

- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...

Theo ông Phong, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật…

Vì thế, người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.

Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được quảng cáo 4 nội dung đã được thẩm định.

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 là 28 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng.

Đau đầu với đủ chiêu quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng - 4

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, nền tảng thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cùng với sự dàn dựng quảng cáo của những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Việc giám định thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh chính vì vậy không kịp thời ngăn chặn được ngay từ nguồn.

Chưa có thống kê về thực phẩm chức năng giả trên nền tảng Thương mại điện tử, nhưng lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay có khoảng 60% gian lận trên nền tảng thương mại điện tử.

"Việc kiểm soát rất khó khăn do sản phẩm không xuất hiện trên thị trường, mà chỉ len lỏi trong các hội nhóm", ông Lê nói.

Vì vậy, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo cho rằng các cơ quan chức năng cần tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và thể chế quản lý thực phẩm chức năng, từ đó để đưa ra các giải pháp quản lý quảng cáo sao cho đúng, đảm bảo quy định để tránh việc người dân hiểu nhầm thực phẩm chức năng giống như thuốc chữa bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.