Chủ tịch Quốc hội: "Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng"
(Dân trí) - "Pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến thì có nên hay không?".
Sáng 15/2, phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này. Đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo.
Tới nay chỉ còn 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau là khái niệm người tiêu dùng và việc áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Lê Quang Huy cho biết, khái niệm "người tiêu dùng" được nêu ra tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật được cơ quan này đề xuất 2 phương án:
Phương án 1, giữ như luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung "và không vì mục đích thương mại", cụ thể như sau: "Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại".
Phương án 2, giữ như trong dự thảo luật đã được Chính phủ trình Quốc hội: "Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại".
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất theo phương án 1.
Đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án, ông Lê Quang Huy cho biết, cũng chưa thống nhất do việc rút gọn thủ tục là cần thiết, nhưng một số ý kiến cho rằng việc quy định tại dự thảo luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, sẽ dẫn đến khó khăn.
Hơn nữa, TAND Tối cao cũng có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), vì đây là luật nội dung không thể quy định về thủ tục tố tụng.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiêng về phương án quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo luật này.
Góp ý tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng có cả "tổ chức". Theo bà, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng như trẻ em, học sinh cho công nhân…
Liên quan đến thủ tục rút gọn, bà Nga đồng ý cần có thủ tục rút gọn đối với những vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có quy định riêng trong dự thảo luật này.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, số vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải ít, không chỉ bảo vệ cá nhân mà bảo vệ tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nếu có quy trình thủ tục rút gọn sẽ thuận lợi bảo vệ nhanh chóng quyền lợi cá nhân, tổ chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, phương án 1 khái niệm "người tiêu dùng" bao gồm cả "tổ chức" và "cá nhân"; phương án 2 thì "người tiêu dùng" chỉ là "cá nhân".
Đồng ý với phương án 1, ông Tùng khẳng định đây cũng là phương án luật hiện hành đang quy định và đúng theo tinh thần của thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Rà soát xem còn vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã được chuẩn bị khá công phu và đánh giá cao ý kiến phát biểu góp ý tại cuộc họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại, xem xét ngoài 2 vấn đề lớn hiện nay còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó khi thay đổi quy định này cần đánh giá kỹ hơn về đặc thù của Việt Nam và thực tiễn áp dụng pháp luật.
"Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên hay không?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ căn cứ để lựa chọn, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ phân tích đó, Chủ tịch Quốc hội thiên về phương án trình Quốc hội xem xét để chấp nhận quy định như hiện hành.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1, đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện, quy định; có thể quy định cụ thể thêm hoặc giao cho TAND tối cao hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ, trách nhiệm gắn theo được quy định như thế nào để bảo đảm ngang bằng trong quyền và nghĩa vụ bảo vệ, các chủ thể người tiêu dùng, người sản xuất hay phân phối cũng đều ngang bằng, bình đẳng với nhau trước pháp luật. Do đó không được làm phương hại đến quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 5 vào tháng 5/2023.