Theo tính toán của những nhóm tình nguyện tiêu thụ dưa, sau khi thu mua từ người dân cộng với các chi phí tối thiểu nhất để bán đến tay người tiêu dùng, giá thành 1 kg dưa hấu chỉ từ mức 5.000 - 6.000 đồng. Tất nhiên, giá bán trong chương trình hỗ trợ tình nguyện cho nên sẽ không tính đến một số chi phí khác như kho bãi, bốc xếp, tiền ăn, nghỉ của các tình nguyện viên…nhưng có thể thấy, giá bán này khác xa so với ngoài thị trường.
Khảo sát giá bán tại các chợ hoa quả đầu mối ở Hà Nội hiện nay, giá dưa hấu ruột đỏ từ các đại lý lớn xuất bán buôn cũng không có giá dưới 15.000 đồng/kg. Sau đó, dưa được bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khi đến được tay người tiêu dùng, giá dưa sẽ tăng lên không dưới 20.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
So sánh giá thành trong cùng một thời điểm nhưng tại những địa điểm và đối tượng cung cấp khác nhau đã cho thấy, giá thành sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa - ở đây là dưa hấu - ở mức cực rẻ, trong khi giá bán đến người tiêu dùng ngoài thị trường lại quá cao. Chỉ cần khác nhau chút ít trong khâu tiêu thụ, nhưng giá thành của 1 kg dưa đã tăng cao gấp 5 - 6 lần.
Thực tế giá dưa nơi mua rẻ - giá bán đắt không mang lại lợi ích chung. Có thể thấy được ngay hai đối tượng chịu thiệt thòi nhất luôn là người trồng dưa và người tiêu dùng. Người trồng dưa không bán được giá cao trong khi là người tiêu dùng sẽ luôn phải mua dưa với giá đắt. Và vấn đề chính ở đây là ai, điều gì đã khiến giá một quả dưa tăng cao như thế? Ai sẽ là người được hưởng lợi từ chênh lệch trong quá trình tiêu thụ này?
Trao đổi với một chủ đại lý chuyên cung cấp hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), anh này cho biết, từ trước tới nay, giá thực mua hoa quả của các thương lái, chủ vựa tại ruộng, vườn của người dân không hề cao, tuy nhiên qua rất nhiều chi phí trung gian trong quá trình phân phối đã khiến giá thành hoa quả tăng vọt.
Anh này lấy ví dụ, chỉ tính riêng chi phí để vận chuyển từ hoa quả miền Nam ra chợ này đã lên tới 4 - 5 triệu đồng/tấn hàng. Ngoài ra phải tính đến hàng loạt các chi phí khác như qua nhiều trung gian, thuê người bốc vác, thuê cửa hàng, địa điểm, phí dịch vụ, tiền điện, nước, nhân viên bán hàng, bảo vệ… Cho nên, nếu giá dưa đang ở mức như hiện nay vẫn là rẻ, có những loại hoa quả khác nếu so với giá mua từ gốc khi đến tay người dân đã được đội lên hàng chục lần.
Qua câu chuyện của chủ đại lý hoa quả với cách làm của các nhóm tình nguyện tiêu thụ dưa giúp bà con miền Trung thời gian qua có thể thấy, nếu chỉ tính chi phí vận chuyển, mặc dù có tăng cao nhưng cũng chỉ chiếm đến 30% giá thành của sản phẩm. Những chi phí dịch vụ, việc làm giá qua nhiều đầu mối trung gian đã góp phần khiến giá hàng hóa tăng cao tới mức vô lý như hiện nay.
Vẫn biết để đến được tay người tiêu dùng, nông sản hàng hóa mà dưa hấu là một ví dụ điển hình trong quá trình tiêu thụ cần phải qua một chuỗi hoạt động, từ đầu mối thu hoạch của người nông dân đến việc thu gom của thương lái, đóng gói, vận chuyển, bốc dỡ và thương mại…
Những hoạt động này đã khiến hàng hóa tăng chi phí dẫn đến tăng giá thành, nhưng tăng quá cao như câu chuyện giá một quả dưa là điều bất hợp lý, và không ai khác, chính những người tiêu dùng phải gánh chịu điều vô lý này, trong khi người trồng dưa không được thêm đồng nào từ việc tăng giá đó.
Cho nên nếu giảm được thêm các chi phí, đặc biệt là các chi phí tiêu cực, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian, thương lái, đầu nậu trong khâu tiêu thụ hàng hóa… chắc hẳn giá thành sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này chắc chắn sẽ mang lợi ích trước tiên cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả bền vững cho người nông dân khi có cơ hội tăng giá thành sản phẩm, trong khi người tiêu dùng lại mua được sản phẩm hàng hóa với mức giá vừa phải.
Trở lại câu chuyện tiêu thụ dưa hấu, việc tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là việc làm cấp thiết của các Bộ, ngành và các địa phương. Đẩy mạnh được công tác xuất khẩu, thị trường trong nước sẽ còn lại những kênh phân phối chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả, việc tiêu thụ dưa cũng không chỉ còn phải phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan là vô cùng cần thiết trong việc điều tiết giá cả thị trường, xử lý được việc thương lái lũng đoạn, ép giá thu mua nông sản. Quan trọng hơn vẫn cần sự vào cuộc của các địa phương trong công tác định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, không để bà con nông dân lâm vào cảnh “được mùa mất giá nhưng lại khó tiêu thụ” như vẫn thường xảy ra./.