Hà Nội “phá rào cơ chế”, cho phép bán vải thiều trên đường phố
(Dân trí) - Để “giải cứu” quả vải thiều Thanh Hà - Hải Dương khi vụ mùa sắp tới, đưa trái tươi ngon, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng, Sở công thương Hà Nội sẽ “phá rào cơ chế” khi cho phép bán vải thiều ngay tại đường phố, trung tâm xã, phường… đã được cấp phép.
Ngoài ra, để thông tin nhanh, giải quyết vướng mắc xung quanh tiêu thụ vải thiều sắp tới, lãnh đạo hai Sở Công Thương Hà Nội sẽ mở “đường dây nóng” để tiêu thụ quả vải thiều của Hải Dương tại địa bàn Hà Nội.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ thực hiện hai phương án để kết nối thị trường và mở cửa tiêu thụ quả vải thiều Hải Dương”.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, đối với chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, Sở chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường hỗ trợ các DN thương mại Hải Dương vào các địa điểm thu mua. Sở cũng huy động các siêu thị lớn tại Hà Nội như BigC, Metro, Fivi Mart, Harpo… thu mua quả vải thiều của các DN phân phối từ Hải Dương để bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn
Ngoài hình thức phân phối truyền thống, Hà Nội “phá rào cơ chế” khi cho phép các nhà phân phối vải của Hải Dương được mở hàng bán vải thiều tại các địa điểm như: trung tâm xã, phường, đường phố chính tại Hà Nội. Các địa điểm này đã được thống nhất giữa lãnh đạo hai Sở Công Thương Hà Nội và Hải Dương.
Ông Thăng nói rõ thêm: “Rút kinh nghiệm từ chiến dịch giải cứu dưa hấu Quảng Nam, chúng tôi sẽ bố trí các lực lượng quản lý thị trường, hướng dẫn các xe vận chuyển vải từ Hải Dương đến các địa điểm bán vải được phép của Hà Nội. Các thông tin địa điểm đến, xe hàng và số lượng xe vải từ Hải Dương lên Hà Nội sẽ được hai Sở Công thương Hà Nội và Hải Dương liên kết qua các “đường dây nóng” giữa lãnh đạo Sở và các lực lượng quản lý thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, dân số Hà Nội hiện là khoảng gần 10 triệu người, nhu cầu rau củ quả là khoảng 75.000 tấn/tháng, riêng quả tươi là khoảng hơn 50.000 tấn/tháng. Hà Nội đã thực hiện nhiều đợt xúc tiến tiêu thụ đặc sản của các địa phương như Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắc Lắc… Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn nên các hệ thống đại lý, cửa hàng chuyên doanh những mặt hàng đặc sản của địa phương khác tại Hà Nội còn rất ít. Các mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc thù của địa phương vào Hà Nội chủ yếu qua các chợ truyền thống, thương lái và đầu mối nên hiệu quả liên kết chưa cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Nhu cầu của người tiêu dùng Hà Nội đối với quả vải nói riêng và các sản phẩm đặc thù là rất lớn song vẫn phụ thuộc rất lớn vào các kênh mua bán chợ truyền thống, chợ cóc ven đường. Các khâu bán hàng qua nhiều trung gian nên giá tăng và chất lượng không đảm bảo. Hiện quả vải đã được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc tuy nhiên thị trường nội địa sẽ tiêu thụ khoảng 40% vải thiều. Chúng ta cần tập trung đưa những sản phẩm đặc thù, không chỉ quả vải mà còn nhiều đặc sản khác đến tận tay người tiêu dùng”.
Theo Bộ Công Thương, sản lượng vải cả nước năm 2015 ước tính khoảng 200.000 tấn, vải thiều tập trung lớn ở hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Trong năm 2014, thị trường tiêu thụ quả vải đã bị tắc nghẽn do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nhưng bị đối tác ngừng nhập khẩu. Trong năm 2015, quả vải đã được phép xuất khẩu đi một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định xuất khẩu vải Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Úc mới chỉ là thử nghiệm. Tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là chính với tỷ lệ 40/60.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) hiện có hơn 1000 ha được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… được phép tiêu thụ và xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Úc. Tuy nhiên, theo nhiều DN, vướng mắc xuất khẩu vải thiều tại địa phương này vẫn là do yêu cầu về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư chất bảo quản, các chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ… của các thị trường khó tính.