1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lào Cai:

Vải thiều xuất sang Trung Quốc: Lượng ít nhưng giá cao hơn

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Lê Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khi trao đổi với PV Dân Trí về tình hình xuất khẩu khẩu vải thiều Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai từ đầu vụ thu hoạch vải thiều năm 2015 đến nay (30/6) các địa phương trong nước, chủ yếu là tỉnh trọng điểm vải thiều Bắc Giang, mới xuất qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai được 23.500 tấn, chỉ bằng hơn 1/2 so với vụ vải xuất khẩu năm 2014.

Trong số đó có tới 80% xuất khẩu dạng chính ngạch qua cửa khẩu Kim Thành (thành phố Lào Cai), còn lại xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Vải thiều xuất sang Trung Quốc: Lượng ít nhưng giá cao hơn

Những ngày trước đây hàng đoàn xe xếp hàng vận chuyển vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)  đang chờ thông quan vào cửa khẩu Bắc Sơn ( Trung Quốc).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tuy nhiên giá bán lại cao hơn năm 2014 với giá bán buôn bình quân từ 110 - 120 nhân dân tệ/thùng/30 kg, trong đó có 20 kg quả vải, tính bình quân giá bán khoảng từ 19 - 21 ngàn đồng/kg...

Đặc biệt, năm nay được chính quyền các cấp phía Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nên có khoảng hơn 200 người buôn vải từ vùng tây nam Trung Quốc sang tận vùng vải Bắc Giang (Việt Nam) tới các nhà vườn chọn mua các loại vải thiều chất lượng cao với số lượng lớn, đồng thời thuê người thu hái, đóng gói, vận chuyển về Trung Quốc tiêu thụ qua cửa khẩu Lào Cai. Vì thế, số lượng vải thiều xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Kim Thành ( Lào Cai) luôn đạt cao, tỷ lệ vải xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai giảm mạnh so với năm trước.

Điều đặc biệt, xuất khẩu vải thiều năm 2015 được thuận lợi hơn, không xẩy ra hiện tượng ùn tắc các xe ô tô vận chuyển vải phải xếp hàng dài chờ làm thủ tục thông quan như các năm trước.

Phía đối tác Trung Quốc cũng mở thêm điểm giao dịch mua bán vải thiều lớn ngay tại cửa khẩu Bắc Sơn (thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đối diện với cửa khẩu Kim Thành (thành phố Lào Cai, Việt Nam) tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và chủ hàng giao dịch, thanh toán, vận chuyển tiếp tiêu thụ vào thị trường nội địa vùng tây nam Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Vải thiều xuất sang Trung Quốc: Lượng ít nhưng giá cao hơn

Hai ngày nay mỗi ngày chỉ có vài xe chở vải Bắc Giang cuối vụ xuất bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai).

Ông Lê Ngọc Hưng cũng cho biết thêm, vụ vải năm nay khả năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai chỉ được khoảng 30 ngàn tấn, thấp hơn năm 2014 hơn 10 ngàn tấn và giảm khoảng 15 - 20 ngàn tấn so với dự kiến xuất khẩu năm 2015. Tuy nhiên do mua bán được giá nên các chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc đều phấn khởi, không xẩy ra tình trạng ép cấp, ép giá như những vụ vải trước.

Đặc biệt 2 ngày hôm nay (30/6 và 1/7) lượng vải xuất khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai giảm rất mạnh, các ngày trước mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn tấn xuất sang thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) để chuyển tiếp vào thị trường vùng tây nam rộng lớn của Trung Quốc, nay chỉ xuất được vài chục tấn vải mỗi ngày.

Nguyên nhân do vùng vải Lục Ngạn đã bước vào cuối vụ thu hoạch, trong khi đó, vùng vải lớn nhất Trung Quốc là Quảng Tây đang bước vào vụ thu hoạch chính.

Theo thông tin từ sở Công thương tỉnh Bắc Giang, đến ngày 23/6 lượng vải thiều Bắc Giang xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn là 23.000 tấn, nhiều nhất so với các cửa khẩu khác, với giá bán buôn trung bình từ 17 -25 ngàn đồng /kg. Xuất qua cửa khẩu tỉnh Hà Giang chỉ được 1.100 tấn.

Như vậy đến nay (29/6) tổng số lượng vải thiều Bắc Giang xuất qua ba cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Hà Giang được trên 45.000 tấn, chiếm gần 36% tổng sản lượng tiêu thụ của tỉnh (126.600 tấn) và chỉ bằng tương đương tổng số vải thiều xuất khẩu sang vùng tây nam Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai năm 2014.

Phạm Ngọc Triển


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”