Quảng Ngãi: Bi hài chuyện trồng dưa, chờ... “hiệp sĩ”

Tương tự Quảng Nam, hàng trăm tấn dưa hấu của người dân tỉnh Quảng Ngãi phải nhờ đến các tình nguyện viên, “hiệp sĩ” giải cứu vì bị thương lái ép giá xuống còn trên dưới 1.000 đồng/kg. Người trồng dưa hấu phải giật mình thốt lên: Chúng tôi không phải “đánh bạc” với trời nữa mà đang “đánh bạc” với Trung Quốc!

Người trồng dưa hấu tỉnh Quảng Ngãi đang tự “đánh bạc” với Trung Quốc.
Người trồng dưa hấu tỉnh Quảng Ngãi đang tự “đánh bạc” với Trung Quốc.
 
Ngóng… thanh niên tình nguyện!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Sau nhiều ngày ăn ngủ không yên vì bị thương lái ép giá, chiều 17/4, nhiều người dân thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) mới thở phào nhẹ nhõm vì được tình nguyện viên Đặng Dũng Như Anh (quê Quảng Nam) đồng ý mua giúp 40 tấn dưa hấu tồn đọng với giá 3.000 đồng/kg. Anh Như Anh cho biết, hơn 1 tuần qua, tổ chức thiện nguyện do anh khởi xướng phối hợp với “hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh đã thu mua hơn 500 tấn dưa hấu của người dân tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng huy động lực lượng thu mua dưa hấu giúp người dân với giá 2.700 đồng/kg.

Trước đó, ngày 16.4, anh Ngô Anh Tuấn - “hiệp sĩ” giải cứu dưa hấu - cũng vào thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp (tỉnh Quảng Ngãi) để tìm cách hỗ trợ bán dưa hấu tồn đọng bị ép giá giúp người dân. Người dân thôn Mỹ Danh thông tin, nhiều ngày qua, dưa hấu bị thương lái ép giá xuống còn 500 - 1.000 đồng/kg. “Tôi nhập dưa hấu cho người dân xã Tịnh Hiệp với giá 3.000 đồng/kg. Tôi rất muốn bán giá cao cho bà con nhưng không thể nâng giá cao hơn được vì người dân quá sốt ruột nên đã chấp nhận hạ giá bán ra thị trường. Tôi sẽ ăn ngủ cùng dân đến khi nào bán hết dưa hấu tồn đọng bị ép giá cho họ” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, dưa hấu chuyển về Hà Nội bán 5.000 đồng/kg và được phân phối đến các điểm tại các tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái, Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Hưng Yên và được các tình nguyện viên bán giúp cho Quỹ Nối vòng tay lớn với giá tùy tâm. Cùng với việc nhận bán dưa giúp, “hiệp sĩ” Tuấn dự kiến mùa dưa sau sẽ thực hiện thí điểm bao tiêu sản phẩm và tài trợ giống, chi phí bảo quản dưa hấu (bằng khí ozon không độc hại, thay thế thuốc trừ sâu người dân đang sử dụng) tại thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. “Nếu thí điểm thành công thì sẽ không còn tình trạng người dân bị thương lái Trung Quốc ép giá nữa. Tất cả mọi thứ từ việc bán dưa từ thiện, hỗ trợ bao tiêu, bảo quản sản phẩm đều được công khai, minh bạch để người dân tin tưởng” - anh Tuấn khẳng định.

Nông dân tự “đánh bạc” với Trung Quốc?

Theo UBND xã Tịnh Hiệp, xã hiện có khoảng 80ha dưa hấu, giảm 50% so với năm ngoái vì người dân bắt đầu e ngại thương lái Trung Quốc. Ngoài hơn 140 tấn dưa Tỉnh đoàn hỗ trợ bán giúp với giá 2.700 đồng/kg trong vài ngày qua, hiện vẫn còn trên dưới 400 tấn dưa hấu của người dân vẫn chưa bán được. “Nhiều năm qua, người dân trồng dưa hấu tự phát và không theo một quy hoạch nào. Trong khi đó, tỉnh khuyến cáo không nên trồng nhiều dưa hấu vì đầu ra bấp bênh” - ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch xã Tịnh Hiệp - cho biết. Theo ông Phụng, cơ cấu cây trồng trong địa bàn chủ yếu là lúa. Tuy nhiên, vì đất bạc màu nên thu nhập chẳng là bao. Người dân đã thử chuyển đổi sang trồng bông, bắp… nhưng không có đầu ra.

Không chỉ tại Sơn Tịnh mà nhiều năm qua, tại các huyện Bình Sơn, Đức Phổ… người dân cũng ồ ạt và liều mình trồng dưa hấu tự phát với diện tích lớn. Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, ông không nắm rõ diện tích trồng dưa hấu của người dân vì diện tích liên tục thay đổi. Tỉnh Quảng Ngãi cũng không quy hoạch trồng cây dưa hấu và khuyến cáo người dân không nên trồng nhiều. “Tập huấn cũng nói bà con nông dân rồi, mình phải bám vào thị trường, nắm thông tin nhưng không cấm người dân được. Thực trạng này nói chung đang rất bí!. Dưa hấu là cây ngắn ngày, phù hợp với khí hậu ấm, nhanh cho quả nên người dân tranh thủ trồng gối vụ sau vụ thu hoạch chính. Năm thương lái Trung Quốc mua được, năm giá rớt thê thảm. Thị trường ngoại thì bao nhiêu cũng qua cửa khẩu Tân Thanh xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại sang Camphuchia thuê đất trồng dưa hấu nên họ mua của mình chi nữa” - ông Chính phân trần.
 
Theo Nhiệt Băng
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”